Giải pháp gỡ khó cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp?

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu DN. Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo UB Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các Cty chứng khoán và lãnh đạo DN thực hiện phát hành trái phiếu dự cuộc họp này.
Bộ trường Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa được phát hành, lắng nghe ý kiến của các DN để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp
Bộ trường Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa được phát hành, lắng nghe ý kiến của các DN để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp

DN phải chủ động xây dựng phương án trả nợ

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng DN tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại DN không trả được nợ. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã tụ tập đông người yêu cầu các ngân hàng - tổ chức trung gian phân phối trái phiếu DN, phải chịu trách nhiệm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu DN, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp. Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của DN. Tuy nhiên, tình hình của DN hiện nay có những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.

Theo thông điệp phát đi từ Bộ Tài chính, thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định, trái phiếu DN do DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu DN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu DN.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu trường hợp DN có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của DN như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của DN, trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với DN phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Các nhà đầu tư cần cẩn trọng

Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo, khi DN phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với DN và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và DN phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Bộ Tài chính cũng nêu rõ, sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa được phát hành, lắng nghe ý kiến của các DN để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp.

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vừa rồi suy giảm, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022. Trên thực tế thì nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.

“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp như giảm thuế (233 nghìn tỷ đồng), thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,… để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên, không ai hiểu rõ thực trạng và khó khăn của mình bằng chính các DN, những đề xuất của DN cũng sẽ mang tính thực tiễn cao; do vậy, chúng ta cần chung sức, đồng lòng để tháo gỡ khó khăn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp thị trường vốn nói chung và trái phiếu DN nói riêng hồi phục, từ đó hỗ trợ thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBCKNN, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các Sở Giao dịch chứng khoán cũng phát biểu chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải. Đồng thời, các đơn vị này cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các DN cùng vượt qua khó khăn, cũng như đề nghị các DN đẩy mạnh truyền thông để cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư. Về phía UBCKNN, lãnh đạo Ủy ban cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cải cách thủ tục để hỗ trợ DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng với quy định pháp luật.

Bộ Tài chính khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường, Cty chứng khoán cũng như các DN, hiệp hội trái phiếu nêu ra những khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Nhiều doanh nghiệp Hà Nội được tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số trong kinh doanh
Hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hoạt động bình thường

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.