Đàm phán thành công việc “hồi hương” Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về kết quả đàm phán “hồi hương” Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Đàm phán thành công việc “hồi hương” Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Cận cảnh Ấn vàng

Trước đó, ngày 19/10, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng, thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam”.

Nhận thức được tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của hiện vật, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các bộ, ngành liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm giải pháp đưa Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa, từ đó xây dựng phương án "hồi hương" hiện vật, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương Ấn vàng.

Đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang lưu giữ tại Văn phòng Hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange - Bateliere Paris, Pháp).

Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu cho thấy, cổ vật hiện đang rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có nhiều nét tương đồng với 2 ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" và "Hoàng đế tôn thân chi bảo" hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Cả 3 ấn vàng đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật 2 cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ 5 móng.

Kích thước và trọng lượng của 3 ấn vàng cũng tương đương nhau. Đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đàm phán thành công việc “hồi hương” Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương Ấn vàng

Trên cơ sở kết quả xác định, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp, đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương Ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với hãng đấu giá Millon để thực hiện lộ trình, thủ tục hồi hương Ấn vàng trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của hai nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, hồi hương Ấn vàng không chỉ nhằm bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật bị thất lạc, mà còn khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao tự tôn dân tộc trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây còn là việc làm có ý nghĩa bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa, một trong những nội dung quan trọng mà UNESCO đặc biệt chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời, thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Vận dụng tốt nguồn xã hội hóa trong bảo vệ di tích lịch sử Vận dụng tốt nguồn xã hội hóa trong bảo vệ di tích lịch sử
Cần chính sách đặc thù cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản Cần chính sách đặc thù cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.