Vụ mang xăng đốt nhà mẹ:

3 cô con gái có bị truất quyền thừa kế?

Nếu thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế thì ngoài trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những đồng thừa kế khác cũng sẽ bị truất quyền thừa kế theo quy định tại Điều 621, BLDS năm 2015.
Hiện trường vụ việc
Hiện trường vụ việc

CQ CSĐT CA tỉnh Hưng Yên vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 vụ 3 con gái mang xăng đến phóng hỏa nhà mẹ.

Theo CQCA, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9h30 ngày 30/10, 3 con gái của bà V.T.Đ, SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã mang theo 01 can xăng loại 10 lít đến nhà bà V.T.Đ rồi đổ xăng xuống nền nhà bà Đ sau đó châm lửa đốt. Hậu quả, bà Đ và 3 cô con gái đều bị thương phải đi cấp cứu tại BV. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Vậy, trong vụ việc trên theo quy định pháp luật, 3 người con gái sẽ phải đối mặt với mức án nào, có bị truất quyền thừa kế hay không? Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi sử dụng chất cháy nguy hiểm là xăng để đốt nhà, thiêu sống người khác là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân.

Bên cạnh đó, vị luật gia cũng cho biết, nếu người thực hiện hành vi là con và nạn nhân là mẹ thì hành vi này còn vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức xã hội. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, cả 3 người con gái cùng bàn bạc, thống nhất với nhau về việc sẽ mua xăng để đốt nhà mẹ đẻ, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra và có thể dẫn đến hậu quả chết người thì cả 3 người này đều bị xử lý về một tội danh là tội "Giết người".

Ngoài ra, các bị can trong vụ án này cũng sẽ phải đối mặt với hình phạt tù có thời hạn của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại Điều 178, BLHS năm 2015. Mức hình phạt cụ thể đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại về tài sản, tính chất của hành vi và nhân thân của các bị can.

Trường hợp kết tội về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh bị kết tội là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của hai tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất sẽ không quá 30 năm.

Cũng theo luật sư Thái, theo thông tin báo chí, thì vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai và những người con gái này yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản cho cha mình để lại. Nếu trường hợp có căn cứ cho thấy người cha đã qua đời và không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì di sản của người cha để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật.

Khi đó, hàng thừa kế thứ nhất sẽ gồm mẹ và các người con. Trong đó, con gái cũng được hưởng thừa kế như con trai. Nội dung này được quy định tại Điều 621 và Điều 651, BLDS năm 2015.

Theo quy định của pháp luật, nếu các thành viên trong gia đình không thống nhất được với nhau về việc thỏa thuận phân chia thừa kế thì có thể đề nghị UBND cấp xã phường hòa giải, nếu hòa giải không thành thì có thể gửi đơn thư đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. "Pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác khi có tranh chấp về dân sự", luật sư Thái nhấn mạnh.

Việc những người con gái không tuân thủ quy định pháp luật về thừa kế, không lựa chọn cách thức mà pháp luật cho phép là khởi kiện đến tòa án để được giải quyết mà lại sử dụng bạo lực, mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hình sự, hành vi này sẽ bị lên án và phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người có di sản; vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng; sửa chữa, hủy bỏ di chúc hoặc có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của các thừa kế khác nhằm chiếm đoạt di sản thì sẽ bị truất quyền thừa kế. Bởi vậy, ngoài việc xử lý hình sự đối với những người con gái có hành vi "Giết người", "Hủy hoại tài sản" thì trong quá trình giải quyết tranh chấp về dân sự (nếu có), cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét hành vi này có thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hay không.

Nếu thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế thì ngoài trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những đồng thừa kế khác cũng sẽ bị truất quyền thừa kế theo quy định tại Điều 621, BLDS năm 2015.

Khởi tố vụ án con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ về tội “Giết người”
Vụ án con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ: 3 nạn nhân tiên lượng xấu
Tình huống pháp lý vụ 3 cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.