Giữ sắc xanh cho bức tranh quy hoạch Thủ đô

Với việc các khu đô thị liên tục mọc lên, đồng nghĩa với việc không gian xanh giảm xuống, đặc biệt là trong khu vực nội đô đang đặt ra vấn đề duy trì và đảm bảo tỷ lệ cây xanh của Thủ đô Hà Nội.
Công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng
Công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng

Khắc phục khiếm khuyết

Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng với nhiều dự án hạ tầng cơ sở cũng như nhà ở đang mọc lên. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian xanh của cư dân đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, tỉ lệ cây xanh cũng như quy hoạch mảng xanh trong phát triển đô thị nói chung và các dự án nhà ở nói riêng vẫn còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.

Thực tế, tại các khu dân cư hiện nay, mảng xanh, cây xanh chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đồng thời, ở các dự án khu dân cư mới, chủ đầu tư đa số thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch.

Hà Nội là TP có số lượng ao hồ nhiều, diện tích lớn so với các đô thị trong cả nước. Trên địa bàn 12 quận có khoảng hơn 110 hồ với tổng diện tích sấp xỉ 1.200ha, hầu hết đã được cải tạo hoàn chỉnh. Ngoài một số hồ nước đã thực hiện thành công vai trò của như những không gian công cộng, không gian mặt nước, cây xanh, cảnh quan sinh thái như hồ Tây, Hồ Gươm..., các con sông và hồ ao ngoại thành hoàn toàn chưa đóng góp được gì nhiều cho việc tạo dựng không gian xanh đô thị. Các con sông trong nội thành đều bị ô nhiễm nên giá trị cải thiện vi khí hậu hầu như không có, nhiều ao, hồ bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích không gian xanh.

“Chìa khóa vàng” để cải thiện môi trường sống cho đô thị

Theo đánh giá của các chuyên gia đô thị, công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng cây xanh, mặt nước của Hà Nội còn có một số vấn đề chưa được giải quyết. Vẫn còn việc chồng chéo trong quản lý cũng như việc thiếu kiểm soát các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh, mật độ xây dựng và mật độ không gian xanh theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch trong nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình.

KTS Trần Duy - GĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển và hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho rằng, khu vực nội đô lịch sử, do hạn chế về quỹ đất, không có nhiều điều kiện tăng thêm số lượng nên giữ số lượng và đảm bảo quy mô diện tích các công viên, vườn hoa hiện có, tránh bê tông hóa, đồng thời tập trung đầu tư chiều sâu để tăng tính hấp dẫn đối với người dân.

Mặt khác, cần làm rõ lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, BV, ĐH trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, để dành quỹ đất sau khi di dời cho không gian xanh. Đồng thời, đẩy mạnh các dự án xây dựng lại chung cư cũ, nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở, đồng thời có thêm quỹ đất cho cây xanh. Kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo diện tích trồng cây tối thiểu đạt khoảng 20% diện tích đất.

Bên cạnh đó cần bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm sẵn có như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Lò Đúc... Tăng cường mạng lưới cây xanh trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng các giải pháp phù hợp (cây leo, chậu cây)…

Để giải quyết triệt để vấn đề này, theo các chuyên gia, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần có giải pháp khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù; đồng thời nghiêm cấm phát triển đô thị, xây dựng các công trình quy mô lớn làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên…

"Tại một số nước, không gian xanh là một chính sách, công cụ để kiểm soát phát triển đô thị với tư tưởng chủ đạo là tạo một vùng đệm nhằm ngăn chặn sự phát triển lan tỏa của đô thị, bảo vệ vùng nông thôn nơi đô thị hóa có nhiều khả năng gây ảnh hưởng.

Các thuộc tính quan trọng nhất của không gian xanh là tính minh bạch, công khai các chiến lược phát triển, quản lý phát triển không gian, hạ tầng, sử dụng đất... trong phạm vi vành đai xanh”, KTS Trần Duy đánh giá.

“Quy hoạch không gian xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng. Vì đây là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho biết.
Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch 5 phân khu đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn
“Giải tỏa cơn khát” không gian xanh cho Thủ đô
Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.