Sửa đổi Luật Đấu thầu để ngăn ngừa những tiêu cực, sai phạm

Sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho DN thông qua hoạt động đấu thầu. Đồng thời, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Quốc hội nghe báo cáo Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Quốc hội nghe báo cáo Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu

Vừa qua, trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; Mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh... Ngoài ra, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều. Việc sửa luật lần này cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho DN thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản Nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Cụ thể, dự luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu…

Sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu

Báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài Chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước…), vì vậy Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan.

Đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DN nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” cần rà soát kỹ, tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của Nhà nước tại các DN khác không thuộc DN Nhà nước để bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của DN Nhà nước và bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của DN.

Về chỉ định thầu, dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu. Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dự thảo luật quy định “gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân” được áp dụng chỉ định thầu, Ủy ban đề nghị làm rõ là trong trường hợp đã công bố dịch hay tình trạng khẩn cấp về dịch theo pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm thuận lợi cho quá trình áp dụng.

Về hành vi cấm, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.
Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Những điểm đột phá trong chính sách ưu đãi
Nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để góp phần phòng ngừa vi phạm

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.