Châu Âu xem xét tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro

Bất chấp những rủi ro về nguy cơ suy thoái mới tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục xem xét về việc tăng lãi suất trong thời gian tới để đối phó với lạm phát.
Châu Âu xem xét tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo đó, ngày 1/11 (giờ địa phương), Chủ tịch ECB - Christine Lagarde cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát dù rủi ro về suy thoái của Eurozone ngày càng tăng.

ECB khẳng định nhiệm vụ của mình là ổn định giá cả và ngân hàng sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để hoàn thành nhiệm vụ. Theo bà Lagarde, ECB quyết tâm làm những gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Trước đó, tại 3 cuộc họp gần nhất, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 200 điểm cơ bản. Tại cuộc họp ngày 21/7, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lần đầu tiên sau 11 năm và tới ngày 8/9, ECB tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất trong một lần của ngân hàng này, trong đó lãi suất tiền gửi tăng từ mức 0% lên 0,75% và lãi suất tái cấp vốn chính được tăng lên 1,25%.

Đến ngày 27/10, ECB tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.

Theo bà Lagarde, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cao hơn trong tương lai. Một trong những động thái tiếp theo của ECB nhiều khả năng là đưa lãi suất tiền gửi từ 1,5% lên gần 3% vào năm 2023.

Trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone đã tăng lên 10,7% và dự kiến sẽ vượt trên mục tiêu 2% của ECB cho đến năm 2024. Chủ tịch ECB nhận định tỷ lệ lạm phát cao càng lâu, tác động lan rộng ra nền kinh tế càng lớn.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục chững lại Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục chững lại
Nga dừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine Nga dừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine

Cao Kỳ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.