Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021

Đại biểu đề xuất các giải pháp để tránh lãng phí nguồn nhân lực

Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, đất đai và lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin được các đại biểu quan tâm...
Đại biểu đề xuất các giải pháp để tránh lãng phí nguồn nhân lực
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất

Tán thành với nhiều nhận xét, đánh giá và giải pháp được đề cập trong báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, việc Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề này đã có tác động làm chuyển biến về nhiều mặt cả nhận thức và thực tiễn đối với các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân. Nhằm góp phần hoàn thiện thêm các giải pháp đối với nội dung này, đại biểu đưa ra ý kiến về lãng phí nguồn nhân lực.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng, sẽ là lãng phí rất lớn cho cơ hội phát triển. Đại biểu nêu rõ, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước tiến đáng trân trọng, tuy nhiên, năng suất lao động của chúng ta so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn.

Theo đại biểu, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, xây dựng Cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân phải cài 4-5 ứng dụng về khai báo y tế

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu đề cập đến thực trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.

Đại biểu đề xuất các giải pháp để tránh lãng phí nguồn nhân lực
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu nêu rõ, trong thời gian vừa qua việc ứng dụng công nghệ thông tin nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong nhận thức có lẽ chưa bao giờ chuyển đổi số được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng, đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin còn có những tồn tại, thất thoát, lãng phí.

Đại biểu phản ánh, hiện nay tình trạng một số nội dung nhưng có nhiều ứng dụng khác nhau đang khá phổ biến. Điển hình như trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 có thời điểm trong điện thoại của người dân có đến 4, 5 ứng dụng về khai báo y tế, có thể việc xây dựng các ứng dụng này không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng đó cũng là nguồn lực của xã hội, gây lúng túng, tốn kém thời gian của người dân trong quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, hiện nay một số dịch vụ công trực tuyến còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Nhiều người dân phản ánh việc thao tác nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt, còn tình trạng phải nhờ công chức hướng dẫn trực tiếp thì mới thực hiện được việc khai báo hồ sơ …

Từ những thực trạng trên, đại biểu Hiếu đề nghị trong dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, cần có các công cụ để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này. Cùng với đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Kiên quyết thu hồi các dự án treo, xem xét việc mua sắm ô tô công…

Qua nghiên cứu và trực tiếp giám sát và qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10 năm 2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành.

Đại biểu đề xuất các giải pháp để tránh lãng phí nguồn nhân lực
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu cho rằng, từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đối với việc mua sắm ô tô thực hiện nhiệm vụ hiện nay còn rất nhiều bất cập, vô hình chung không đảm bảo tiết kiệm. Trong đó, Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn với tiêu chuẩn, định mức mua sắm ô tô, quy định Văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một xe ô tô với mức giá không quá 720.000.000 đồng. Trong khi đó, công việc ở địa phương, ở cơ sở rất nhiều, một xe không đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, với mức giá 720.000.000 đồng như hiện nay chỉ mua được xe một cầu, không thể đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Thực tế hiện nay các địa phương phải thuê xe để đi công tác, với chi phí khá cao, như vậy chưa là tiết kiệm mà còn lãng phí…

Hiện nay Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế nghị định 04, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị định mới phải đảm bảo được sát thực tiễn và đưa lại hiệu quả trong quản lý cao nhất, được xây dựng trên nguyên tắc bố trí xe ô tô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng căn cứ vào bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào diện tích, địa hình của từng địa phương để đưa ra những quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô một cách hợp lý…

Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được lựa chọn để trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội
Những điều người tham gia đấu giá cần biết

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.