Nhiều ý kiến trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 21/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Nhiều ý kiến trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Quốc hội thảo luận sôi nổi về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Phát biểu tại Kỳ họp, đề cập về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ngày 14/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 337/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (khoản 3 Điều 1)

Có ý kiến đề nghị làm rõ mối liên quan của việc giới hạn tổng độ rộng băng tần đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện nay trong số các băng tần, kênh tần số thì chỉ có băng tần dành cho thông tin di động là quý hiếm (vì khó hài hòa trên phạm vi toàn cầu). Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh thâu tóm lượng lớn tần số có thể làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh. Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Kinh nghiệm một số quốc gia cũng áp dụng giới hạn lượng tần số một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phân bổ các khối băng tần, nguyên tắc phân bổ, thẩm quyền phân bổ; làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện để xác định hạn mức sử dụng băng tần; đề nghị chỉnh sửa khái niệm “quy hoạch” tần số vô tuyến điện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phân bổ các khối băng tần là một trong các nội dung của quy hoạch băng tần; nguyên tắc, thẩm quyền phê duyệt đã được quy định tại Điều 10, 11 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Do đó, không cần thiết quy định về nội dung này. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nội hàm “quy hoạch băng tần”, “quy hoạch phân kênh tần số” thuộc quy hoạch tần số vô tuyến điện được chỉnh lý tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.

Về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (khoản 5, 6, 7, 8, 9 Điều 1)

Một số ý kiến đề nghị chỉ cấp giấy phép thông qua đấu giá, không thi tuyển; đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần, không đấu giá băng tần; ưu nhược điểm của 2 phương án.; quy định tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho từng phương thức và điều kiện tham gia phương thức cấp giấy phép qua đấu giá và thi tuyển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định ba hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Thi tuyển và cấp trực tiếp đều là cấp phép thực hiện theo thủ tục hành chính, cần thiết phải duy trì khi Nhà nước cần tác động trực tiếp vào thị trường như tạo ra doanh nghiệp mới để thúc đẩy cạnh tranh hoặc khi thực hiện mục tiêu chính sách xã hội (phủ sóng rộng), khuyến khích đưa công nghệ mới vào sử dụng.

Cả phương thức đấu giá và thi tuyển đều có thể gặp rủi ro khi doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng không triển khai hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ như cam kết, dẫn đến hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin không phát triển kịp thời, làm ảnh hưởng cơ hội phát triển của xã hội, các ngành, lĩnh vực khác.

Từ khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có hiệu lực, mới cấp phép trực tiếp đối với tần số sử dụng cho hoạt động dân sự thông thường mà chưa cấp trực tiếp hoặc đấu giá hay thi tuyển tần số có giá trị thương mại cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về đề nghị quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho từng phương thức và điều kiện tham gia phương thức cấp giấy phép qua đấu giá và thi tuyển, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật được chỉnh lý, quy định cụ thể hơn đối với cả ba phương thức cấp phép (đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp) để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể; làm rõ loại băng tần, kênh tần số được đấu giá. Đối với thi tuyển, Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định từng trường hợp cụ thể; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung mà Luật Đấu giá tài sản quy định thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, khoản 7 và khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định rõ điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông.

Nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó doanh nghiệp cần 07 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tháng 12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng thông tin di động 4G.

Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 02 doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Trong các năm 2017-2018, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan và để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật, đến tháng 4/2020 Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg (về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá. Ngày 01/10/2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế chưa theo kịp quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do Bộ Thông tin và Truyền thông chậm trễ trong rà soát các quy định mới, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện; lúng túng trong xử lý các tình huống mới.

Dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc chậm trễ thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện đã được đề cập trong Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Về xử lý vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông (khoản 7, 12 Điều 1)

Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về vi phạm hành chính. Đề nghị làm rõ quy định “Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép" và các khoản tài chính theo quy định này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện, dự thảo Luật chỉ áp dụng hình thức đình chỉ một phần khi doanh nghiệp vi phạm một số nội dung trong cam kết triển khai mạng viễn thông (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật). Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định một số biện pháp quản lý Nhà nước (Nhà nước thu hồi giấy phép trong trường hợp doanh nghiệp không khắc phục được vi phạm; Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép), tương tự như quy định trong Luật Đất đai, Luật Khoáng sản.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, điểm d khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ các khoản tài chính Nhà nước không hoàn trả (gồm: phí sử dụng, lệ phí cấp giấy phép sử dụng, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện).

Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (khoản 10 Điều 1)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: (1) quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông báo quy hoạch băng tần chậm nhất 03 năm trước ngày Giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực, đảm bảo doanh nghiệp có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng; (2) quy định 06 tháng trước ngày giấy phép hết hiệu lực, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan quản lý cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tránh tình trạng giấy phép hết hạn nhưng không kịp cấp lại; (3) lồng ghép yêu cầu này vào nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông và quy định rõ Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cấp lại Giấy phép sử dụng băng tần cho doanh nghiệp chậm nhất 30 ngày trước ngày giấy phép đã cấp hết hiệu lực; trường hợp không cấp lại thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Về thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí tần số vô tuyến điện (khoản 14 Điều 1)

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí và lệ phí về tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được nộp vào ngân sách nhà nước; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế (điểm c khoản 17 Điều 1)

Tại Kỳ họp thứ 3, Chính phủ đề nghị bổ sung khoản 4 vào Điều 45 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị chưa quy định vấn đề này; nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với quy định này trong dự thảo Luật.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị "nghiên cứu cơ chế theo hướng cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để khi cần có thể huy động sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh”. Trên cơ sở tổng hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án 1: Không bổ sung khoản 4 Điều 45 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 như phương án Chính phủ trình và đề xuất sửa đổi sau Kỳ họp thứ 3, mà bổ sung điểm d khoản 4 và 5 Điều 18 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Phương án 1 bảo đảm nguyên tắc không sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh vào mục đích khác, bảo đảm mục tiêu phân bổ tần số vô tuyến điện theo đúng quy hoạch; quản lý thống nhất của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với tần số thương mại sử dụng kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh và chặt chẽ hơn về quy trình cấp phép. Tài nguyên tần số phân bổ cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp từ tần số cho thương mại.

Tuy nhiên, phương án này dẫn đến việc mở rộng phạm vi các tần số vô tuyến điện được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh ngoài lượng tần số phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Đồng thời, khi quy hoạch tần số cho mục đích kinh tế - xã hội sẽ phải tính đến lượng tần số cho quốc phòng, an ninh.

Phương án 2: Bổ sung khoản 4 vào Điều 45 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 như Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 3 và được chỉnh lý thể hiện trong hồ sơ kèm theo Báo cáo số 368/BC-CP của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Phương án 2 có thể tận dụng nguồn tài nguyên tần số phục vụ quốc phòng, an ninh còn dôi dư cho mục đích kinh tế kết hợp với một số nghiệp vụ bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội. So với phương án trình tại Kỳ họp thứ 3, Chính phủ quy định rõ đối tượng là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh để phù hợp với khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp. Theo quan điểm của Chính phủ, sẽ bảo đảm trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong sử dụng tài sản công, giám sát chặt chẽ phương án kết hợp phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, phương án này chưa bảo đảm nguyên tắc phân bổ tần số vô tuyến điện được sử dụng đúng mục đích, mục tiêu từ quy hoạch ban đầu; chưa làm rõ nội hàm của sử dụng tần số phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế; có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, không bảo đảm minh bạch. Đồng thời, trên thế giới, chưa có quốc gia nào quy định vấn đề này trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận để lựa chọn Phương án phù hợp. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Toàn văn bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Toàn văn bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội
Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Sẽ đăng công khai các biển số xe ô tô dự kiến đấu giá trước 45 ngày Sẽ đăng công khai các biển số xe ô tô dự kiến đấu giá trước 45 ngày
Đề nghị thay đổi thời hiệu xử lý kỷ luật công chức và viên chức Đề nghị thay đổi thời hiệu xử lý kỷ luật công chức và viên chức
Bí thư Điện Biên Nguyễn Văn Thắng được giới thiệu làm Bộ trưởng GTVT Bí thư Điện Biên Nguyễn Văn Thắng được giới thiệu làm Bộ trưởng GTVT

Trung Kiên - Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.