Hà Nội: Góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sáng 18/10, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa TP Hà Nội.
Hà Nội: Góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
Đồng chí Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP chủ trì, phát biểu tại Hội nghị

Những kết quả đạt được

Hội nghị do đồng chí Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP chủ trì, cùng tham dự có đại diện Văn phòng UBND TP, Đại diện sở, ban, ngành cùng đại diện UBND các quận, huyện, thị xã và cán bộ, công chức tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn TP…

Theo báo cáo, sau 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trên địa bàn TP đến nay công tác này đã đi vào nề nếp, UBND TP hằng năm đã ban hành các kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp dưới triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Thông qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND TP đã có nhiều báo cáo, kiến nghị đến Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp trong thi hành pháp luật, từng buốc cải tiến việc tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp từng bước đáp ứng yêu cầu của công việc, lãnh đạo sở, ban, ngành TP và lãnh đạo UBND các cấp đã nhận thức được vai trò, hiệu quả của công tác này trong thi hành và hoàn thiện pháp luật.

Những bất cập về thể chế về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã từng bước được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Sau thời gian thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Thông tư số 14/2014/TT-BTP, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/202 hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Thông qua việc xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật hàng năm, TP đã nắm bắt và đánh giá đúng thực trạng tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị qua đó kịp thời chấn chỉnh những sai sót, hạn chế trong thi hành theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc, bất cập.

Một số lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật mà TP lựa chọn và tổ chức thực hiện kế hoạch trong thời gian qua như: Pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phòng cháy chữa cháy; An toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có tác dụng lan tỏa đến tình hình chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tồn tại, hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong đó việc tổ chức thi hành pháp luật hiện nay chưa được luật hóa, nội dung tổ chức thi hành pháp luật nằm ở nhiều văn bản thuộc lĩnh vực khác nhau nên việc triển khai ở một số ngành, lĩnh vực chưa kịp thời.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP có một số nội dung không đảm bảo tính khả thi, thống nhất cả về phạm vi, hình thức thực hiện, đối tượng thực hiện; một số quy định còn chung chung, mang tính khái niệm, như: Phương thức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật chưa được quy định cụ thể; chưa có phương pháp kiểm chứng, đánh giá thực tiễn và ứng dụng việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật vào công tác quản lý nhà nước tại địa phương;

Chưa quy định cụ thể thẩm quyền và cơ chế xử lý của Đoàn kiểm tra với các hành vi vi phạm được phát hiện qua kiểm tra mà chỉ dừng lại mức kiến nghị nên chưa tạo điểm nhấn cho công tác theo dõi thi hành pháp luật. Nội hàm của hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật chưa được xác định rõ.

Việc thực hiện nhiệm vụ thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định, số lượng, biểu mẫu thống kê về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhiều nội dung thống kê còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng trong công tác này.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND các cấp chưa quy định cụ thể, còn mang tính chất chung chung, chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ riêng của từng ngành.

Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về cơ chế theo dõi thi hành pháp luật, nội dung, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, một số nội dung còn chưa có quy định cụ thể, đầy đủ để giúp cho các cấp, các ngành triển khai tốt công tác này như: Tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chưa cụ thể; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành, tiêu chí công tác viên, các biểu mẫu về kiểm tra, điều tra, khảo sát…

Bên cạnh đó còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện như: Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn TP hạn chế về số lượng trong bối cảnh tinh giảm biên chế; việc bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật đa số là kiêm nhiệm do đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Việc hướng dẫn về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa kịp thời do đó làm ảnh hưởng một phần đến hiệu quả hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Thực tiễn triển khai thực hiện vẫn còn tình trạng Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, vẫn coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên chưa thật sự quan tâm cho công tác này.

Hình thức tham gia các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức còn hạn chế, chủ yếu là cung cấp thông tin khi được cơ quan Tư pháp thuộc UBND các cấp đề nghị; việc huy đông cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.

Những kiến nghị, đề xuất

Tại hội nghị, đại diện UBND các quận huyện như: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đan Phượng... cùng đại diện một số sở, ngành đã có tham luận báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó nêu những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đóng góp ý kiến cũng như kiến nghị, đề xuất vào báo cáo dự thảo.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao cũng đã chia sẻ, giải đáp một số vấn đề cùng với các đại biểu và kết luận hội nghị.

Qua dự thảo báo cáo, TP đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP để khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu. Điều chỉnh thời điểm báo cáo và mốc báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật theo mốc báo cáo thống kê ngành Tư pháp để thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổng hợp và xây dựng báo cáo hàng năm.

Nghiên cứu chế độ báo cáo, thống kê theo dõi thi hành pháp luật đơn giản, hiệu quả theo hướng số hóa dữ liệu báo cáo hàng năm; chỉ báo cáo đối những việc thi hành pháp luật trọng tâm thay vì báo cáo chung tất cả các lĩnh vực như hiện nay, tránh việc báo cáo dàn trải, không sâu, không phản ánh được đúng thực trạng.

Kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành Thông tư quy định vấn đề kinh phí dành cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, hiện chỉ có Công văn số 225/BTC-HCSN ngày 07/-1/2020 về việc hướng dẫn kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nên gặp khó khăn trong việc lập dự toán kinh phí hàng năm trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Bộ, ngành và địa phương trong đó cần chú trọng về kỹ năng triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Nghị định 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, hơn nữa trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo Nghị định trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn quy định cụ thể, nhiều nội dung còn chung chung.

Về lâu dài, để công tác theo dõi thi hành pháp luật thực sự phát huy được vai trò trong đời sống xã hội và có thể thực hiện một cách dễ dàng thuận lợi ở tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần nghiên cứu, xây dựng một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, trong đó cần phân định rõ thẩm quyền theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và cơ quan có thẩm quyền theo dõi chung;

Xác định rõ phạm vi, mục đích của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu để đánh giá về tình hình thi hành pháp luật; quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, Đoàn kiểm tra trong theo dõi thi hành pháp luật và xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật; cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp, huy động cộng tác viên trong theo dõi thi hành pháp luật…

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ hòa giải cơ sở
Đề xuất nhiều giải pháp mới trong công tác tuyên truyền pháp luật ở Hà Nội

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.