Vụ nổ súng bắn người vì bạn gái bị chọc ghẹo:

Nghi phạm đối mặt nhiều tội danh?

Luật sư cho biết, nghi phạm nã súng vào quán cà phê làm 2 người bị thương được xác định là hành vi nguy hiểm có thể bị ghép vào tội “Giết người”.
Đặng Thanh Quý bị bắt giữ sau khi nổ súng vào quán cà phê khiến 2 người bị thương
Đặng Thanh Quý bị bắt giữ sau khi nổ súng vào quán cà phê khiến 2 người bị thương

CA tỉnh Quảng Ngãi cho biết lực lượng CSHS phối hợp với CA huyện Bình Sơn đang tạm giữ Đặng Thanh Quý, SN 1995, trú tại thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nghi can nổ súng làm hai người bị thương.

Tại CQCA, Đặng Thanh Quý, thừa nhận, một người ngồi ở quán cà phê Kim Băng (thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) đã nói xấu, chọc ghẹo bạn gái của mình nên đối tượng nổi giận, về nhà lấy súng để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, 2 người ngồi trong quán cà phê bị Quý bắn trọng thương không phải là người mâu thuẫn với anh ta. Hiện sức khỏe của 2 nạn nhân đã ổn định.

Trước đó, vào trưa 13/10, Quý đón xe taxi đến trước quán cà phê Kim Băng, thuộc thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận. Khi xe dừng, Quý thò tay ra cửa, dùng súng bắn vào trong quán cà phê khiến 2 người bị trúng đạn, phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn. Sau khi gây án, Quý nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Ngay sau đó, CA huyện Bình Sơn lần theo dấu vết, tóm gọn Đặng Thanh Quý, nghi can cầm súng bắn vào quán cà phê làm hai người bị thương. CA lập tức, khám xét nhà riêng của Quý, phát hiện và thu giữ 2 khẩu súng rulo, 39 viên đạn loại đạn đầu chì, trong đó đã sử dụng 3 viên, cùng 3 cây đao, kiếm.

Tang vật của vụ án
Tang vật của vụ án

Liên quan đến vụ án này, theo Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với những thông tin ban đầu, việc đối tượng Đặng Thanh Quý sử dụng vũ khí và tấn công người khác là hành vi nguy hiểm đến sự an toàn tính mạng của người khác cần phải lên án.

Theo luật sư Nguyên, trong vụ việc này, nếu phát hiện hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CQ CSĐT có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ có trách nhiệm khởi tố vụ án, khởi tố bị can áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xác định tội phạm và xử lý tội phạm.

Đối với hành vi sử dụng súng làm hai người trọng thương, CQĐT tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào lời khai, động cơ, mục đích, hiện trường vụ án, loại vũ khí gây án, đạn bắn, cự ly, khoảng cách từ vị trí bắn đến nơi nạn nhân trúng đạn, tỷ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân để có thể xem xét trách nhiệm pháp lý.

“Nếu mục đích thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc kết luận giám định xác định vị trí, khoảng cách súng bắn đến nạn nhân có thể gây nguy hiểm tính mạng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi năm 2017; với tình tiết “Giết 2 người trở lên” mức phạt tù sẽ từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Nguyên cho hay.

Cũng theo chuyên gia pháp lý, trường hợp nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điều 15 BLHS.

Nếu mục đích của đối tượng không nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân, đồng thời kết luận giám định xác định từ vị trí, khoảng cách súng bắn đến các nạn nhân không gây nguy hiểm tính mạng thì căn cứ hậu quả thương tích thực tế gây ra, đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 BLHS.

Cùng với tình tiết “Phạm tội đối với 2 người trở lên” thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân sẽ là căn cứ định khung hình phạt đối với đối tượng Quý. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.

“Với những hành vi và biểu hiện của tình tiết vụ án, rõ ràng đối tượng phạm tội nguy hiểm, song cần phải thông qua hoạt động điều tra, tùy từng trường hợp khác nhau để nhận định dấu hiệu phạm tội theo những chế tài và tội danh khác nhau”, luật sư Nguyên cho biết.

Đối với hành vi tàng trữ súng, đao, kiếm, đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép” hoặc “Chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 306, sửa đổi bổ sung 2017, mức phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.

Nếu qua giám định loại súng, mức độ gây sát thương của súng mà đối tượng tàng trữ, sử dụng có tính năng như vũ khí quân dụng, thì đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép” hoặc “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" quy định tại Điều 304, mức xử phạt từ 1 năm đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Khởi tố 3 đối tượng liên quan vụ nổ súng trong đêm
Cha dượng nổ súng sát hại con riêng của vợ rồi tự tử
Thanh niên ngồi trên ô tô, nổ súng vào quán cà phê khiến 2 người bị thương

Quốc Doanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.