Kinh tế tư nhân thời kỳ đổi mới:

Kinh tế tư nhân đóng góp mạnh mẽ vào ngân sách Nhà nước

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu: “Kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ thời kỳ đổi mới, góp ngày càng nhiều cho ngân sách nước nhà, tạo việc làm cho xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương cũng như trong cả nước. Chúng ta không phân biệt đối xử cả trong ý thức, cả trong hành động và cả trong xây dựng cơ chế chính sách và pháp luật”.
Nhiều DN Việt Nam đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk,… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhiều DN Việt Nam đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk,… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Những đóng góp của kinh tế tư nhân vào nền kinh tế đất nước

Gần đây, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp sâu sắc nhiều vấn đề mấu chốt về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó có việc phát triển kinh tế tư nhân. Bài viết khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, vấn đề xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine đã tác động sâu sắc đến toàn bộ thế giới, làm cho giá dầu tăng cao, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường đã bị thu hẹp lại, thị trường chúng ta cũng bị thu hẹp lại. Chúng ta hiện nay quản lý kinh tế vĩ mô này hàng tuần, hàng ngày, chưa nói đến hàng giờ vì biến động rất nhanh. Mỗi ngày đều khác.

Trong điều kiện khó khăn như vậy, chúng ta vẫn giữ được độc lập chủ quyền lãnh thổ. Chúng ta vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng cao trong các tháng đầu năm 2022. Năm cân đối lớn là thu chi, xuất nhập khẩu, sản xuất an ninh lương thực, cân đối điện, cân đối lao động thì chúng ta đảm bảo. Đó là những thành tích chung của Đảng và Nhà nước có tham gia đóng góp của Nhân dân, đặc biệt có sự tham gia, góp sức của DN.

Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (CPSD), do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện. Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam nói chung. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chỉ chiếm khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 17 DN Nhà nước (DNNN), góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Nhiều DN tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ Nhân dân bị nạn, tài trợ cho các giải thể thao, CLB bóng đá, những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

Các công trình quan trọng trong vận tải như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và đang đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái của Tập đoàn Sun Group. Trong đó, sân bay Vân Đồn được xây dựng chưa tới 2 năm, là công trình có thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam, góp phần đưa cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019”.

Kinh tế tư nhân đã và đang lớn mạnh từng ngày và có những đóng góp lớn cho nền kinh tế. Cùng với đó là sự phấn đấu, sáng tạo không ngừng trong những lĩnh vực tưởng chừng Việt Nam không thể làm được. Điều này góp phần đưa tên tuổi của Việt Nam vươn ra trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các DN tư nhân lớn

Theo phân tích của TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương, khối DN tư nhân trong nước của Việt Nam hiện nay chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, các DN tư nhân lớn chưa vươn tầm được như các Cty tư nhân lớn trên thế giới. Một số DN tư nhân rất lớn có số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. DN tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình phát riển.

Do vậy, số lượng DN tư nhân trong nước từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ quy mô vừa vươn lên quy mô lớn còn rất ít. Theo các chuyên gia, trở ngại khách quan ngăn cản DN tăng trưởng quy mô là: Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi; Gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; Thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh dẫn đến các DN không kịp nắm bắt và thích nghi.

Hiện nay, một số chính sách, quy định hiện hành trong tiếp cận ưu đãi đầu tư, tham gia thị trường, cung ứng hàng hóa dịch vụ qua đấu thầu... đang tạo ra những ưu thế gián tiếp cho DN tư nhân lớn, vẫn có sự phân biệt đối xử đối giữa các DN lớn và DN vừa và nhỏ, từ đó dẫn đến việc phân bổ và tiếp cận nguồn lực chưa được đồng đều giữa các nhóm DN. Việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với các DN trong đó có các DN tư nhân lớn đang hoạt động tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đưa ra các chính sách nhằm giúp DN cải thiện năng lực cạnh tranh và đạt được lợi thế theo quy mô.

Việc tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước cần đặc biệt chú ý tới các DN tư nhân lớn. Đây là nhóm DN có năng lực và nhiều tiềm năng hơn trong tiếp cận DN FDI cả trên góc độ chuyển giao công nghệ cũng như tham gia vào chuỗi giá trị. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách riêng cho các DN tư nhân lớn có khả năng chấp nhận rủi ro, có khả năng quản lý, dẫn dắt thị trường và đầu tư cho nghiên cứu các công nghệ mới trở thành nhóm DN dẫn đầu dẫn dắt DN nhỏ hơn cùng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, hiện nay DN Nhà nước và tư nhân đã đóng góp vào GDP khá tương đương nhau. Nhưng sự thu hút lao động của DN tư nhân là vượt trội và chiếm khoảng hơn 80% lao động. Trong nền kinh tế độc lập tự chủ thì phải phát triển các DN, cả DN Nhà nước và tư nhân.
Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân
Doanh nghiệp kiến nghị cải thiện các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho NLĐ thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh
Phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào một khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.