Đô thị thông minh Hà Nội hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả

Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, vì vậy xác định phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) được coi là nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố (TP) hướng đến nhằm phát triển đô thị tốt hơn, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, cùng với đó đảm bảo được tiêu chí hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa…
Phát triển giao thông, một trong các lĩnh vực trọng tâm hướng tới ĐTTM của Hà Nội
Phát triển giao thông, một trong các lĩnh vực trọng tâm hướng tới ĐTTM của Hà Nội

ĐTTM và những định hướng cụ thể

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2017, lúc đó tại kì họp, HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Chương trình Mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Nghị quyết nêu rõ, Hà Nội xây dựng TP thông minh bằng việc hình thành Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội và một số thành phần cơ bản của TP thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...) và điều chỉnh mức kinh phí thực hiện...

Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội chỉ ra lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội kiến tạo những giá trị văn hiến cho tương lai.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch. Đến nay, đã hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng - đô thị, quy hoạch phân khu đô thị (cấp độ 1) cơ bản đạt 100%.

Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây đã xác định phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Hà Nội đang từng bước phát triển thành một siêu ĐTTM dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh. Theo UBND TP Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội tập trung vào hai vấn đề lớn là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh (chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông thông minh…) và hình thành lớp cư dân thông minh.

Đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch

Cùng với nhiều lĩnh vực, Hà Nội tiếp tục hướng tới phát triển ĐTTM thông qua việc đẩy mạnh hoàn thiện từ quy hoạch đến thực hiện chắc chắn, hiệu quả các DA hạ tầng giao thông, điểm nhấn rõ nhất là DA đường vành đai 4. Ngay trong tháng 9/2022, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ̀ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo đúng quy định của pháp luật. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch TP, giữa quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất TP với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Điểm nhấn của quy hoạch ở chỗ công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch TP, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác liên quan.

Riêng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tiến độ thời gian, nhất là những địa bàn có DA đường vành đai 4 đi qua.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Hùng, ĐTTM được hình thành trên các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch ĐTTM, nền kinh tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, cư dân thông minh, cộng đồng thông minh, quản trị ĐTTM và xã hội thông minh. Trong đó, quy hoạch ĐTTM được coi là trụ cột trong phát triển ĐTTM.

Để thực hiện được nội dung này, Hà Nội cần giải quyết được 4 vấn đề quan trọng đang là những thách thức trong quá trình phát triển đô thị đó là: Đổi mới mô hình cấu trúc đô thị, xây dựng mô hình đơn vị ĐTTM làm hạt nhân cho xây dựng Thành phố thông minh bền vững, tích hợp công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển ĐTTM, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước.

Hiện tại, TP tập trung phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, một số khu ĐTTM được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư đã giải phóng mặt bằng ở mức khá cao như: DA Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm); DA Khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh); DA Thành phố thông minh (huyện Ðông Anh), do liên danh nhiề̀u nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD.

Thời gian tới, Hà Nội tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, trong đó sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh). Tiếp đó là mô hình Thành phố tại khu vực phía Tây (đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai) hình thành định hướng đô thị có tính chất khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc.

Kỳ 1: Cảnh quan đô thị được cải thiện nhiều, đường phố phong quang
Kỳ 2: Xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai
Kỳ 3: Công tác phát triển hệ thống và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phù hợp với chủ trương
Kỳ cuối: Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tiến tới đô thị thông minh

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.