Kinh tế xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022: Có nhiều khởi sắc

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng. Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 22% so với cùng kỳ năm trước
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 22% so với cùng kỳ năm trước

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%

Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo. Theo đó, kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng DN.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, trong mức tăng trưởng cao của quý III (13,67%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%. Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

CPI tháng 9 tăng 0,4%

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm giảm giá.

Đáng chú ý, trong 9 nhóm hàng tăng giá, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất. Cụ thể, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9/2022 tăng 5,84% so với tháng trước. Trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc. Đồng thời một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí…

Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng 2,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Dù có xu hưởng giảm trong 3 kỳ điều chỉnh gần đây tuy nhiên xăng dầu là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Theo đó, bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm.

Về lạm phát, bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu. Tổng cục Thống kê đánh giá, mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022, đồng thời tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 52,6% về vận chuyển và tăng 60,4% về luân chuyển. Khách quốc tế đến nước ta 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Hà Nội: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Khơi thông các điểm nghẽn của thị trường lao động
Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.