Quy định về nghĩa vụ nhà ở xã hội khi phát triển nhà ở thương mại cần thay đổi?

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, cơ quan này nhận được ý kiến của cử tri TP Hà Nội kiến nghị vấn đề nhà ở xã hội. Cụ thể, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.
Cử tri Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại

Nhiều cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại.

Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhằm xử lý bất cập liên quan đến quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại… Dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Trong khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì: Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Nghị định số 100 về quy mô dự án phải dành quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, theo hướng giảm quy mô sử dụng đất của dự án, dành quỹ đất 20% này để phát triển nhà ở xã hội (từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I).

Cùng với đó, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thực tế về quy hoạch khi bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ còn nêu rõ: "Trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp, thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận".

Mới đây, tại hội thảo góp ý Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng tổ chức, đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn bất động sản cũng cho rằng, quy định về nghĩa vụ nhà ở xã hội khi phát triển nhà ở thương mại cần thay đổi. DN có thể tách nghĩa vụ xây dựng nhà ở xã hội thành một dự án độc lập, không nhất thiết phải xây dựng chung với nhà ở thương mại.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất phương án xây dựng “tín chỉ xây dựng nhà ở xã hội”. Tức là, một DN thực hiện xong dự án nhà ở xã hội sẽ được quy thành các đơn vị tín chỉ tương ứng với quy mô dự án. Khi DN này muốn thực hiện dự án nhà ở thương mại, họ dùng chính các tín chỉ trên để đổi với quy định dành 20% quỹ đất nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội. Tùy theo quy mô dự án, cơ quan chức năng sẽ xác định xem số lượng tín chỉ mà DN có đã tương đương hay chỉ bằng một phần nghĩa vụ bắt buộc. Không chỉ vậy, các tín chỉ này còn có thể được các DN trao đổi, mua bán trên thị trường như một loại giấy tờ có giá và nộp thuế thu nhập DN theo quy định. "Giấy tờ có giá" là một loại chứng chỉ mà trị giá được đổi thành tiền và được phép giao dịch.

Quy định tín chỉ và cho phép giao dịch trên thị trường có thể tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chuyên làm nhà ở xã hội sẽ có thêm khoản thu nhập gia tăng, Nhà nước cũng có thêm nguồn thu thuế và các chủ đầu tư nhà ở thương mại có thể triển khai dự án sớm hơn. Với những lợi ích trên, giải pháp sẽ có thể khuyến khích sản phẩm nhà ở xã hội phát triển. Cơ quan Nhà nước đứng ra xác định cách thức quy đổi tín chỉ xây dựng nhà ở xã hội và hệ số hoán đổi giữa các địa phương. Việc giao dịch hoàn toàn do các chủ đầu tư tự lựa chọn và quyết định.

Theo Tập đoàn Novaland, nên để DN tự lựa chọn giữa hai phương án trích quỹ đất trong chính dự án để làm hoặc hoán đổi từ quỹ đất nơi khác. Việc tách nghĩa vụ nhà ở xã hội thành một dự án độc lập sẽ có tác động tốt trong việc chỉnh trang đô thị, phù hợp nhu cầu của người dân. Hơn nữa, việc gắn nhà ở xã hội vào dự án nhà ở thương mại cao cấp vô hình trung gây khó cho chính những cư dân nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đại diện các DN và chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp để kích thích nhà ở xã hội. Đề xuất giao hẳn cho UBND tỉnh tự quyết quy hoạch mà không cần làm thủ tục xin phép các cấp trên để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh nhà ở xã hội, Nhà nước cần quan tâm phát triển nhà ở công nhân và nhà lưu trú công nhân trong bối cảnh công nghiệp hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ cao. Đối tượng mua nhà ở xã hội nói chung cũng được kiến nghị mở rộng cho lực lượng vũ trang, gỡ bớt quy định về tạm trú từ một năm trở lên và quy định về tiêu chí thu nhập cá nhân.

Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những vướng mắc được tháo gỡ tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, vẫn còn một số nội dung tồn tại cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có vấn đề như kiến nghị của cử tri TP Hà Nội.
Hà Nội siết chặt quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
Hà Nội: 2 dự án bắt buộc dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội
Hà Nội “mạnh tay” đầu tư cho nhà ở xã hội
Đề xuất bãi bỏ quy định thời hạn sau 5 năm mới được bán nhà ở xã hội

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.