Các tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi tra tấn

Tội bức cung là một tội danh điển hình của Bộ luật hình sự năm 2015 gần với hành vi tra tấn theo quy định của Công ước Chống tra tấn. Theo quy định tại Điều 374 của Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật để buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin vụ án, vụ việc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức cung.
Biểu hiện của hành vi phạm tội có thể là dùng vũ lực gây đau đớn cho nạn nhân như đấm, đá, đánh bằng tay, chân hoặc dùng các vật khác như roi, thanh sắt, khúc cây,… để đánh vào cơ thể nạn nhân
Biểu hiện của hành vi phạm tội có thể là dùng vũ lực gây đau đớn cho nạn nhân như đấm, đá, đánh bằng tay, chân hoặc dùng các vật khác như roi, thanh sắt, khúc cây,… để đánh vào cơ thể nạn nhân. Ảnh minh họa

Tội dùng nhục hình

Theo quy định tại Điều 373 của Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án, thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sử dụng nhục hình hoặc bất kỳ hình thức nào đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị tra tấn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình.

Biểu hiện của hành vi phạm tội có thể là dùng vũ lực gây đau đớn cho nạn nhân như đấm, đá, đánh bằng tay, chân hoặc dùng các vật khác như roi, thanh sắt, khúc cây,… để đánh vào cơ thể nạn nhân; hoặc hình thức khác như cùm chân tay, bắt đứng, ngồi, nằm ở những tư thế khó chịu, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông, bắt lao động nặng nhọc,… Hành vi dùng nhục hình gây đau đớn về thể xác và/hoặc tinh thần cho người bị tra tấn, tuy nhiên, hậu quả gây ra không phải là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm này. Việc gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người bị nhục hình, tùy từng trường hợp cụ thể là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2, 3 hoặc 4 của Điều luật.

Hình phạt đối với tội nhục hình theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 rất nghiêm khắc từ 06 tháng tù đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy trường hợp cụ thể.

Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Công ước Chống tra tấn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, so với quy định của BLHS 1999, Điều 373 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội dùng nhục hình so với Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án thì còn bao gồm cả người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (các biện pháp tư pháp) cũng là đối tượng phạm tội dùng nhục hình.

Thứ hai, trong cấu thành cơ bản của tội dùng nhục hình đã bổ sung hành vi cấu thành tội phạm “đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào”, nội dung này cũng cho thấy sự tương thích gần hơn giữa pháp luật hình sự Việt Nam với quy định của Công ước Chống tra tấn.

Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội dùng nhục hình tại các khoản 2, 3, 4 Điều 373, thay thế cho các tình tiết định tính trong Bộ luật hình sự năm 1999 là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ tư, về hình phạt, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung 01 khung hình phạt tại khoản 4 Điều 373 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp hành vi phạm tội làm người bị nhục hình chết. Như vậy, so với quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 1999, mức hình phạt cao nhất đối với tội dùng nhục hình đã thay đổi đáng kể (từ 10 năm tù lên 20 năm tù hoặc tù chung thân). Quy định này thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc hơn đối với người thực hiện hành vi dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp.

Tội bức cung

Tội bức cung là một tội danh điển hình của Bộ luật hình sự năm 2015 gần với hành vi tra tấn theo quy định của Công ước Chống tra tấn. Theo quy định tại Điều 374 của Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật để buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin vụ án, vụ việc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức cung.

Hành vi bức cung được biểu hiện thông qua việc sử dụng các thủ đoạn trái pháp luật- là các phương pháp, cách thức bị pháp luật cấm hoặc không có quy định nào cho phép người có thẩm quyền được sử dụng trong hoạt động tố tụng (lấy lời khai, hỏi cung,...) như dùng vũ lực, nhục hình, đe dọa sẽ xử nặng hơn, đe dọa sẽ giam lâu, hỏi cung liên tục vào ban đêm, đe dọa xâm hại người thân thích,... để buộc nạn nhân phải cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

Cũng tương tự như tội dùng nhục hình, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội bức cung là chủ thể đặc biệt- người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân,... và thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là để buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung do đau đớn, lo sợ mà phải khai ra hoặc cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

Hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội bức cung theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 cũng rất nghiêm khắc từ 06 tháng tù đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy trường hợp cụ thể.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Công ước Chống tra tấn, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 374 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội bức cung như sau:

(i) Bộ luật hình sự năm 2015 sử dụng thuật ngữ “trong hoạt động tố tụng” thay thế cho thuật ngữ “tiến hành điều tra, truy tố, xét xử” trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo quy định này, phạm vi chủ thể thực hiện tội phạm được mở rộng hơn, qua đó bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và pháp luật có liên quan.

(ii) Bộ luật Hình sự năm 2015 sử dụng thuật ngữ “người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” thay thế cho thuật ngữ “người bị thẩm vấn”, để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và pháp luật có liên quan.

(iii) Theo quy định Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi bức cung chỉ cấu thành tội phạm khi ép buộc người bị thẩm vấn khai sai sự thật và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản quy định này theo hướng chỉ cần thực hiện hành vi ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì đã cấu thành tội bức cung. Đồng thời, tình tiết “ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật” được quy định là một tình tiết định khung tăng nặng trác nhiệm hình sự tại điểm g khoản 2 Điều 374.

Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội bức cung tại điểm d khoản 2 Điều 374. Đây cũng là hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội dùng nhục hình, do đó, cần xác định mục đích của hành vi trên để phân biệt trường hợp phạm tội “dùng nhục hình” với trường hợp phạm tội “bức cung” mà dùng nhục hình.

Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội bức cung tại các khoản 2, 3, 4 của Điều 374, thay thế cho các quy định mang tính định tính trong Bộ luật hình sự năm1999 như “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ tư, cũng tương tự như quy định tại Điều 373 về tội dùng nhục hình, Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản hình phạt đối với người thực hiện hành vi bức cung, theo hướng nâng mức hình phạt cao nhất từ 10 năm tù (tại khoản 3 Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 1999) lên thành từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân (khoản 4 Điều374) để bảo đảm chính sách xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này.

Không sử dụng những lời khai là kết quả của hành vi tra tấn
Đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn
Cấm tra tấn và các biện pháp đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo
Trừng phạt hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
Bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác

Quang Trung

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.