Mang thai hộ vì mục đích thương mại là phạm pháp

Nhận thấy nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, những người muốn làm bố đơn thân…, các đối tượng nảy sinh ý định tổ chức mang thai hộ để kiếm lời.
Hai đối tượng tại CQCA
Hai đối tượng tại CQCA

Mang thai hộ với tổng chi phí 770 triệu đồng

CA quận Long Biên, Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thị Hằng Oanh (35 tuổi, trú phường Đức Giang, quận Long Biên) về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" và Trần Thanh Sơn (37 tuổi, trú thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo tài liệu điều tra ban đầu, nhận thấy nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, những người muốn làm bố đơn thân…, Oanh nảy sinh ý định tổ chức mang thai hộ để kiếm lời.

Oanh sau đó lập hội nhóm Facebook “Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng” để tìm người bán trứng, mang thai hộ và người có nhu cầu có con.

Qua hội nhóm này, tháng 3/2020, anh Đ.M (35 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) muốn có con nên liên hệ với Oanh để tìm người mang thai hộ. Sau đó, Oanh nhận lời đứng ra tìm người bán trứng để kết hợp với tinh trùng của anh Đ.M tạo phôi và tìm người mang thai hộ anh Đ.M với tổng chi phí 770 triệu đồng.

Thỏa thuận xong với khách, Oanh hứa trả từ 30 - 50 triệu đồng cho chị T.L (31 tuổi, quê Hòa Bình) để người này bán trứng và từ 270 - 340 triệu đồng để mang thai hộ.

Sắp xếp xong, Oanh liên hệ với Sơn đặt mua sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, CMND giả nhằm hợp thức hóa giấy tờ pháp lý để làm thủ tục hiến trứng, tinh trùng và tạo phôi tại BV.

Sau khi cấy phôi không thành, Oanh trả chị L 50 triệu đồng là số tiền mua trứng và tiếp tục tìm chị Q.T (26 tuổi, quê tại Gia Lai) thỏa thuận trả 320 triệu đồng để chị này mang thai hộ anh M.

Lần này, Oanh tiếp tục gọi cho Sơn để làm giả giấy tờ. Cấy phôi thành công, Oanh đưa chị T về phòng trọ tại phường Long Biên, quận Long Biên, để dưỡng thai thì bị phát hiện.

Theo CQCA, anh M đã chuyển cho Oanh 420 triệu đồng. Trong đó, Oanh trả chị L 50 triệu đồng, ứng cho chị T 41 triệu đồng, số còn lại bị can này chiếm hưởng. Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mới của pháp luật nhằm hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sinh con.

Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại vì đây là hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, có thể dẫn đến những hiện tượng mua bán người, bóc lột tình dục, xâm phạm đến quyền lợi của những người yếu thế.

“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một quy định hết sức văn minh, nhân đạo được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nhưng không phải mọi hoạt động mang thai hộ đều được pháp luật thừa nhận, hoạt động mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo chứ không được phép vì mục đích thương mại mới được pháp luật thừa nhận”, luật sư Thái phân tích.

Cụ thể, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình quy định, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…

Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình quy định, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ…

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Trong khi đó, mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Từ phân tích trên, luật sư Thái cho biết, người thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại đến mức được xác định nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 187 BLHS.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Triệt phá đường dây tổ chức mang thai hộ gần nửa tỷ đồng do 2 phụ nữ cầm đầu
Khởi tố các đối tượng trong đường dây mang thai hộ
Bắt nữ quái cầm đầu đường dây "đẻ thuê", giá cả tỷ đồng mỗi lần

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.