Ưu tiên phát triển công trình xanh theo hướng bền vững

Trong suốt những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động của Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, đô thị xanh, công trình xanh.
Hà Nội ưu tiên xây dựng các công trình, dự án xanh
Hà Nội ưu tiên xây dựng các công trình, dự án xanh

Kết quả của hướng đi đúng đắn

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 3102 về việc thành lập Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo quyết định, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng mới 6 công viên gồm Công viên Chu Văn An, khu công viên và hồ điều hòa CV1, công viên ở khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang; công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Ngoài ra, TP lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang và đầu tư xây dựng 5 công viên, gồm Thiên Văn học, Bách Thảo, Hữu Nghị, vườn hoa Lý Thái Tổ và công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa. Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có gồm: Mức độ 1 có 3 công viên và 10 vườn hoa; mức độ 2 có 10 công viên và 22 vườn hoa.

Cần nhấn mạnh, việc được công nhận là công trình xanh là một quá trình dài, với nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, việc TP Hà Nội có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng các công trình hướng tới mục tiêu phát triển không gian xanh chính là điểm tựa để hình thành các công trình xanh sau này.

Trong hơn nửa thập kỷ qua, Hà Nội đã có hàng chục công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh, bước đầu cho thấy kết quả của một hướng đi đúng đắn. Điều này càng đáng được ghi nhận khi tính đến năm 2015, toàn địa bàn thủ đô chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ xanh.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ năm 2015 đến nay, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh đang dành được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và nguồn lực triển khai. Đặc biệt, xu hướng công trình xanh đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực từ các dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự...), đến các công trình xã hội (trường học, BV)… đều đang được đẩy mạnh phát triển theo xu hướng xanh nhằm bảo đảm sự thân thiện với môi trường, mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng và đạt được nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), các công trình xanh, công trình bền vững cùng với các khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái sẽ đóng góp vào việc làm cho đô thị xanh hơn, bền vững hơn. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy đối với các khu vực đô thị hiện hữu như TP Hà Nội hiện nay, việc phát triển các công trình xanh độc lập, đơn lẻ sẽ đi đôi với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là hướng đi khả thi và phù hợp.

Không thể thiếu cơ chế phù hợp

Dù đang có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần thẳng thắn thừa nhận việc thực thi, tốc độ xây dựng các công trình xanh tại Hà Nội vẫn chưa như kỳ vọng. Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, trường ĐH kiến trúc Hà Nội, thách thức lớn hiện nay là chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích, bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững, thiếu sự định hướng của Nhà nước cũng như các quy định về luật. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa nhiều.

Nhìn từ góc độ chính sách, GS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, cần sớm xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Về giải pháp kỹ thuật, Chủ tịch CLB Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA - Vietnam), KTS Trần Thành Vũ nêu quan điểm, đối với công trình đủ lớn (từ 2.500m2 trở lên) khi xin phép xây dựng cần có hồ sơ hợp quy tuân thủ các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, ít nhất là ở mức tối thiểu.

Sau đó, công trình nào chứng minh được tiết kiệm năng lượng vượt trội so với mức tối thiểu này thì cho phép nhận một số ưu đãi như cho thêm tầng, thêm mật độ xây dựng hoặc cho vay lãi suất thấp hơn, cấp giấy phép xây dựng ưu tiên, khi vận hành cho phép giảm tiền điện hay VAT trong 5 - 10 năm, có cơ chế thưởng cho những người làm thiết kế... Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần tạo lập môi trường cho công trình xanh thông qua sự cân bằng giữa kinh tế và môi trường; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh và phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm xây dựng xanh; xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách, thí điểm, lựa chọn hình mẫu chuẩn và áp dụng nhân rộng cũng là những giải pháp cần sớm thực hiện. Không chỉ ở TP Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước được “phủ xanh” nhiều hơn nữa bằng các công trình xanh bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu đến năm 2030, 25% vật liệu xây dựng sản xuất trong nước được chứng nhận “sản phẩm xanh”, phân khúc chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính so năm 2020, 100 công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đến năm 2050, mục tiêu 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí “đô thị xanh”, phát thải các-bon thấp.
Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về giao thông công cộng xanh và an toàn
Từ "Công viên xanh trong lòng thành phố" đến mục tiêu 1 tỷ cây xanh
Đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp xanh, công nghệ cao

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.