Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các Bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tổ chức vừa qua, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các Bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỉ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021.

Thủ tướng cho rằng, có 25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 3 nhóm, cụ thể: Thứ nhất, về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm. Thứ hai, việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; công tác tổ chức thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc… Thứ ba, mang tính đặc thù của năm 2022: Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 7/2021 trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất cát để san lấp mặt bằng.

Nhiệm vụ thời gian tới

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương động viên, chia sẻ khó khăn với các DN, nhà thầu trước những biến động vừa qua về giá cả nguyên vật liệu, nhưng cũng kêu gọi các nhà thầu chia sẻ khó khăn với đất nước, "chung sức, đồng lòng" trên tinh thần "lợi ích thì hài hòa, khó khăn và rủi ro thì chia sẻ", không vì biến động giá mà dừng lại, cần tiếp tục thi công để đảm bảo tiến độ, đồng thời phải phối hợp để giải quyết các phát sinh hợp lý theo quy định.

Liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà Nhân dân, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số hết sức mong đợi, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa theo các hướng dẫn của Trung ương; đồng thời, các Bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, cắt bớt các quy định, thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí đầu vào và chậm tiến độ thực hiện. Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này phải có chuyển biến rõ nét ở các cấp, ngành, địa phương, mang lại hiệu quả cao, tránh trường hợp "nói nhiều làm ít", nói phải đi đôi với làm để góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn.

Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Hà Nội: Đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022
Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Giải ngân vốn đầu tư công: Cần có giải pháp căn cơ, đột phá
Thủ tướng chủ trì Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.