Góp ý về Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi):

Có ý kiến đề xuất giữ nguyên chính sách chung cư sở hữu không xác định thời hạn và sở hữu có thời hạn

Góp ý về Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), vấn đề các chuyên gia tranh luận rất nhiều đều xoay quanh thời hạn sở hữu nhà chung cư. Các ý kiến cho rằng, đề xuất bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư không phù hợp đối với trường hợp nhà chung cư được xây dựng trên đất ở ổn định lâu dài và các chủ sở hữu nhà chung cư có quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài đối với diện tích đất xây dựng khu chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai. Từ đó đã có một số bất cập, không tương thích với Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Bộ Luật Dân sự 2015.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA Hiệp hội Bất động sản TP HCM, quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn không đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài										   	  Ảnh: Khánh Huy
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA Hiệp hội Bất động sản TP HCM, quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn không đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài. Ảnh: Khánh Huy

Tâm lý của người mua và thị trường

Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất, Bộ Xây dựng có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu đối với các loại nhà chung cư (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ). Thời hạn sở hữu nhà sẽ xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế nhà chung cư được cơ quan Nhà nước thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng.

Thông tư số 06/2021/TT-BXD và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2012/BXD tiêu chí phân cấp công trình xây dựng theo quy mô, kết cấu được quy định rất rõ, như: Nhà chung cư cao trên 50 tầng (công trình cấp đặc biệt) và nhà chung cư từ 25-50 tầng (công trình cấp I) sẽ có niên hạn sử dụng trên 100 năm. Đối với nhà chung cư có từ 08-24 tầng (công trình cấp II) thì niên hạn sử dụng chỉ từ 50-100 năm; nhà chung cư có từ 2-7 tầng (công trình cấp III) chỉ có niên hạn sử dụng từ 20 đến dưới 50 năm mà thôi,... Như vậy, thời hạn sở hữu nhà chung cư phụ thuộc vào quy định phân cấp công trình xây dựng.

Nhiều chuyên gia, DN cho rằng, quy định này chưa phù hợp với tâm lý của người mua và có thể ảnh hưởng tới thị trường. Luật sư Nguyễn Đình Vinh - GĐ Cty Luật VietThink nhận xét, nhiều quốc gia đã quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư. Tuy nhiên, cần phải giải quyết được mâu thuẫn giữa đất và nhà. Muốn vậy, cần có giải pháp và thông suốt giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Nên tiếp tục giữ nguyên chính sách

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA Hiệp hội Bất độnAg sản TP HCM (HoREA), Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đối với tất cả các dự án nhà chung cư xây dựng mới. Tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 đã quy định chế độ sở hữu nhà ở có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn và thực hiện song song hai chế độ “sở hữu nhà ở không xác định thời hạn” và chế độ “sở hữu nhà ở có thời hạn” để đáp ứng nhu cầu của người mua nhà trên thị trường.

Như vậy, Luật Nhà ở 2014 không quy định bắt buộc sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn đối với tất cả dự án nhà chung cư xây dựng mới. Đây là quy định đột phá của Luật Nhà ở 2014 giúp “đa dạng hóa” quyền sở hữu nhà ở và giúp cho thị trường bất động sản có thêm sản phẩm nhà ở mới là nhà ở sở hữu có thời hạn, bao gồm căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn.

Ưu điểm của căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn là giá bán thấp hơn căn hộ sở hữu không xác định thời hạn tương tự tại cùng khu vực, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận khách hàng. Nhưng đa số người dân lại có tâm lý lựa chọn nhà chung cư không xác định thời hạn sở hữu. Từ đó, các cơ quan Nhà nước nên cho phép phát triển cả hai loại dự án nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc sở hữu có thời hạn.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà lại đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước “dễ” thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Bởi, việc xử lý nhà chung cư hết thời hạn sử dụng phải phá dỡ để xây dựng lại hoàn toàn có thể thực hiện theo cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 69/2021, các quy định theo Nghị định này rất có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn không đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài, bởi lẽ nhà ở, căn hộ nhà chung cư là tài sản có giá trị rất lớn mà chủ nhà muốn để lại cho con cháu thừa kế sau này.

Bên cạnh đó, còn dẫn đến sự không công bằng giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với quyền sở hữu nhà ở, theo đó thì nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà phố) gắn liền với đất ở thì được công nhận “sở hữu không xác định thời hạn”; nhà chung cư thì chỉ được công nhận “sở hữu có thời hạn”. Quy định này có thể “làm lợi” cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà phố) và làm trở ngại cho việc phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, mục tiêu chính của quy định áp niên hạn sở hữu chung cư không phải để ổn định thị trường bất động sản nhưng sẽ tác động tới giá. Điều này sẽ giúp người ít khả năng tài chính tiếp cận được với chung cư có thời hạn, với giá thành hợp lý hơn. Trên cơ sở quyền sử dụng đất vẫn sử dụng ổn định lâu dài, sau khi chung cư hết hạn sử dụng, người dân vẫn còn quyền sử dụng đất của mình. Do đó, sau khi hết thời hạn sử dụng và địa điểm này vẫn quy hoạch làm chung cư thì người dân được quyền góp tiền để xây dựng lại chung cư. Đồng thời, sẽ không hồi tố với chung cư đưa vào sử dụng trước thời điểm luật có hiệu lực nên việc quy định niên hạn sử dụng chung cư dự kiến áp dụng với những dự án cấp phép xây dựng sau 1/7/2024 nếu Quốc hội thông qua luật vào tháng 10/2023.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả chung cư cũ trước quý IV-2023
Hà Nội phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng lại nhà chung cư cũ
Giải pháp phòng chống cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng
Đẩy nhanh tiến độ trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.