Thông tin về việc giải cứu hơn 1.000 công dân Việt Nam tại Campuchia

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 21/9, phía Việt Nam đã phối hợp cùng phía Campuchia giải cứu hơn 1.000 công dân, hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.
Thông tin về việc giải cứu hơn 1.000 công dân Việt Nam tại Campuchia
An Giang tiếp nhận 44 người nhập cảnh trái phép do phía Campuchia bàn giao. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Chiều 22/9, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về tình hình người Việt tại Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam rất quan tâm, chú trọng đến công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sát sao; đồng thời các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng tích cực, chủ động làm việc với cơ quan chức năng nước bạn để rà soát, mở rộng hơn nữa việc điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã chủ động phối hợp rất hiệu quả với các cơ quan trong nước như Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các địa phương có liên quan như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh và Long An; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh và tiếp nhận công dân Việt Nam sau khi được giải cứu về nước.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao tính đến ngày 21/9, phía Việt Nam đã phối hợp cùng phía Campuchia giải cứu hơn 1.000 công dân, hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.

Về phía Campuchia, các cơ quan chức năng của nước này cũng tích cực hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam trong giải cứu và bảo hộ công dân.

Đặc biệt, từ đầu tháng 9, khi Campuchia tổ chức truy quét các tổ chức tội phạm giam giữ, ép buộc người lao động bất hợp pháp, số lượng các công dân Việt Nam được các cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia giải cứu đã lên đến khoảng 400 người.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương có liên quan và phía Campuchia để triển khai các biện pháp tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đưa về nước các công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp và quan trọng nhất, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam".

Bảo hộ công dân Việt Nam thoát khỏi một cơ sở kinh doanh ở Campuchia
Báo động tình trạng lôi kéo, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật
Lừa đảo sang Campuchia làm việc - những cảnh báo không mới
Hải Phòng: Cảnh báo bị cưỡng bức lao động khi sang Campuchia tìm việc
Lao động sang Campuchia làm việc: Cần có chế tài mạnh mới đủ sức răn đe
Hàng chục lao động Việt Nam tháo chạy tán loạn khỏi casino ở Campuchia
Khởi tố nhóm lừa nhiều người sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao"

TTXVN

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.