Nữ hướng dẫn viên du lịch bị cưỡng bức quyết tố cáo:

Nhận được sự ủng hộ khi lên tiếng về việc bị xâm hại

Từ trước tới nay, phần nhiều nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục chấp nhận im lặng. Bởi tâm lí xấu hổ, tủi nhục... đồng thời khó nhận được sự đồng cảm của xã hội dù là nạn nhân. Nhưng nay, nhận thức của mọi người đã có nhiều thay đổi.
Đối tượng Triệu Tà Mềnh
Đối tượng Triệu Tà Mềnh

Chấp nhận bị tai tiếng để làm sáng tỏ vụ việc

Ngày 21/9, lãnh đạo VKSND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Triệu Tà Mềnh, SN 1991, trú tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, để điều tra về hành vi hiếp dâm.

Trước đó, ngày 20/9, CQ CSĐT, CA huyện Hoàng Su Phì tiếp nhận đơn tố giác của một hướng dẫn viên du lịch, SN 1993, ở Hà Nội, về việc bị Triệu Tà Mềnh, hiếp dâm tại một khu nghỉ dưỡng nằm trên địa bàn xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì vào ngày 18/9.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h30 ngày 19/9, tại Hoàng Su Phì bungalow trên địa bàn xã Thông Nguyên, Triệu Tạ Mềnh lẻn vào phòng ngủ của một nữ hướng dẫn viên du lịch khống chế và thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau đó, nữ hướng dẫn viên đã đến CA huyện Hoàng Su Phì làm đơn tố cáo.

Ngay sau khi nhận được đơn tố giác, CA huyện Hoàng Su Phì đã vào cuộc xác minh điều tra. Quá trình đấu tranh, bước đầu nghi phạm Triệu Tà Mềnh đã thừa nhận hành vi của mình.

Về phía nữ hướng dẫn viên tên T.N.L, cô gái cho biết: Vào tối 17/9 sau khi ăn cơm tối cùng đoàn, cô trở về phòng vào lúc 10h30. Tới khoảng 1h30 sáng khi cô đang ngủ say thì một thanh niên lẻn vào phòng và khống chế, cưỡng ép cô QHTD.

Điều khiến T.N.L phẫn nộ đó chính là thái độ của những người quản lý khu du lịch đó khi xảy ra vụ việc không hề xin lỗi, không hề đứng về phía người bị hại mà lại bày tỏ mong muốn được thỏa hiệp bằng cách đền bù tiền.

“Nhưng em quyết tâm không nhận thỏa hiệp, em chấp nhận bị ảnh hưởng, chấp nhận bị tai tiếng để làm sáng tỏ vụ việc, bắt người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Không thể mượn cớ anh ta là người dân tộc thiểu số, để bao biện cho cái sai. Bởi nơi đây có thể không chỉ có mình em là nạn nhân của những kẻ biến thái này”, L chia sẻ.

Từ những chia sẻ về câu chuyện của nữ hướng dẫn viên du lịch trên, rất nhiều người đã tỏ ra đồng cảm với nỗi đau của cô. Đồng thời tỏ rõ sự ngưỡng mộ lòng dũng cảm đồng thời thể hiện quan điểm sẽ luôn ủng hộ, đồng hành cùng cô trên con đường đi tìm lẽ phải.

Rất nhiều người trên MXH đã chia sẻ:

Hoàng Thanh: Cháu rất dũng cảm! Mong cháu được pháp luật bênh vực và trừng trị kẻ đốn mạt để mọi người đi du lịch được vui vẻ và an toàn.

Ngọc Ánh: Bạn nữ nào từng bị quấy rối tình dục cần mạnh mẽ dũng cảm tố cáo hành vi đồi bại. Chúng tôi ủng hộ các bạn.

Têrêsa Ngọc Lan: Em làm đúng lắm, phải cho kẻ biến thái biết mình phạm tội và hoàn thiện hơn. Chúc em nhiều sức khỏe và an lành

Vũ Mai Hiên: Ủng hộ quyết định của em. Vững tin nhé cô gái dũng cảm

Binh Nguyen: Rất mong công lý sẽ đứng về phía bạn, ngưỡng mộ sự dũng cảm của bạn.

Hoa Lethi: Cần phải xử lý nghiêm minh về hành động này để bảo đảm an toàn cho phụ nữ biểu dương tinh thần dũng cảm của cháu.

Lau Sơn Tiến: Mình thông cảm với bạn và ngưỡng mộ bạn dám đứng lên tố cáo cái xấu của xã hội.

Thiện Bảo: Dũng cảm lên đừng nhụt chí, hàng triệu người ủng hộ bạn và vô cùng phẫn nộ với hành vi đồi bại của tên khốn.

Cô gái đang nhận được sự ủng hộ mạnh mexcuar cộng đồng trên con đường tố giác cái xấu
Cô gái đang nhận được sự ủng hộ mạnh mexcuar cộng đồng trên con đường tố giác cái xấu

Tại sao nạn nhân xâm hại thường chọn im lặng?

Phần nhiều nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục chấp nhận im lặng. Bởi họ luôn có tâm lí xấu hổ, tủi nhục và tự nguyền rủa bản thân, nên phần nhiều nạn nhân chọn cách im lặng. Rất nhiều nạn nhân ngại lên tiếng bởi họ cho rằng sẽ không thể nói ra việc mình bị quấy rối tình dục, vì sẽ chẳng có ai đồng cảm.

Thực tế, có nhiều nạn nhân chấp nhận im lặng bởi họ không muốn khi nói ra lại bị mạng xã hội, cộng đồng "ném đá" xâm hại thêm một lần nữa. Các nạn nhân chọn chịu đựng một mình bởi họ sợ bản thân sẽ trở thành đối tượng bị tấn công. Đó là những câu hỏi về việc khi bị xâm hại, họ đã mặc gì, nói gì, có uống rượu không, có đi một mình không, có chống cự, có tình ý trước với kẻ kia không...

Như vậy, nạn nhân của xâm hại tình dục chọn im lặng còn bởi họ không muốn một lần nữa bị “cưỡng hiếp” bởi miệng lưỡi người đời.

Lý do của im lặng còn là việc sợ hãi bị trả thù và các tổn thương có thể xảy ra nếu có sự tố cáo hoặc phản kháng. Điều này khiến nạn nhân bị mắc kẹt trong việc phải lựa chọn giữa các mất mát và thiệt thòi khác nhau. Sự bất bình đẳng quyền lực với kẻ thủ ác đến từ tuổi tác, khả năng chuyên môn, vị trí và kết nối xã hội, giới tính, sắc tộc, hay sự giàu có. Vượt qua ranh giới của xâm hại tình dục, sự thao túng tâm lý này xuất hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Đôi khi nạn nhân không nhận được sự trợ giúp, thậm chí còn không dám chia sẻ và cầu cứu người trong gia đình. Bởi xã hội vẫn luôn thiếu những thiết chế trợ giúp cơ bản như đường dây nóng, chuyên gia, nhà tình thương, bác sĩ và luật sư chuyên ngành.

Đề cập tới giải pháp hỗ trợ nạn nhân, trong buổi tọa đàm "Lên tiếng không bao giờ là quá muộn" do Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) tổ chức, bà Hoàng Tú Anh - Chủ tịch Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam cho rằng, không chỉ nạn nhân bị xâm hại tình dục ngại lên tiếng, mà ngay cả nạn nhân bị bạo lực trong gia đình cũng im lặng. Số liệu cho thấy, chỉ có 50% nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam dám lên tiếng và chỉ có 10% nạn nhân dám tố cáo.

"Nạn nhân không dám lên tiếng có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là họ sợ bị đổ lỗi. Nguồn cơn của câu chuyện đổ lỗi lại liên quan rất nhiều tới vấn đề ứng xử trong xã hội Việt Nam. Ứng xử xã hội của Việt Nam đang thiếu rất nhiều, việc nhận diện giá trị đúng trong xã hội đang có vấn đề. Nhiều người không hiểu đâu là giá trị đúng", bà Hoàng Tú Anh cho biết.

Theo bà Tú Anh, ngay từ nhỏ, mỗi công dân cần được giáo dục về sự dân chủ. Cần phải giúp họ hiểu được mọi người có quyền được lên tiếng, nhưng phải lên tiếng dựa trên các giá trị đúng. Điều này cũng sẽ giúp cho nạn nhân có thể nói lên tiếng nói của mình không sợ hãi, đồng thời cũng giúp một bộ phận khác bỏ tư tưởng đổ lỗi.

"Đặc biệt, cần có những giáo dục toàn diện, cụ thể hơn về giới tính, về luật pháp về cả giá trị xã hội... để mỗi công dân có hành trang, có cách ứng xử đúng trong xã hội nói chung và trước vấn đề xâm hại tình dục nói riêng", bà Tú Anh nhấn mạnh.

Nữ hướng dẫn viên du lịch bị cưỡng bức tại homestay lúc nửa đêm
Bắt khẩn cấp nghi phạm cưỡng bức nữ hướng dẫn viên du lịch

Dương Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.