Cô chủ nhỏ “Tiệm giặt là của người Điếc”

Khởi xướng từ tháng 12/2020, mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc” đã phục vụ cho 4.000 khách hàng, phát triển 2 cơ sở tại Hà Nội. Những con số biết nói là hành trình nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi của “cánh én vàng” Lương Thị Kiều Thúy.
-	Chân dung “cánh én vàng” Lương Thị Kiều Thúy tại “Tiệm giặt là người Điếc”. Ảnh NVCC
Chân dung “cánh én vàng” Lương Thị Kiều Thúy tại “Tiệm giặt là người Điếc”. Ảnh NVCC

Hành trình nghe bằng mắt

Nhạy bén, cầu thị, nụ cười tỏa nắng là ấn tượng đầu tiên của tôi khi được trò chuyện với cô gái khiếm thính Lương Thị Kiều Thúy (SN 1991). Khác với những đứa trẻ cùng thời, Thúy bị khiếm thính từ năm 10 tuổi. Mặc dù vậy, chị không mất niềm tin vào cuộc sống. Hành trình gần 5 năm nghe bằng mắt, Thúy đã thể hiện một cô gái nghị lực, giàu bản lĩnh, vượt qua vật cản trong cuộc sống để chinh phục nấc thang của tri thức. Chị chính là người sáng lập “Tiệm giặt là của người Điếc” – mô hình việc làm đầu tiên cho người điếc, khiếm thính tại Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc”, Thúy cho biết, năm 2019 khi đang làm dự án “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội”, Thúy càng hiểu rõ hơn về những thực trạng, khó khăn, việc làm của những người đồng cảnh. Cùng với việc tham gia hoạt động tại “Sáng” – Tổ chức thanh niên hoạt động vì quyền của người điếc/khiếm thính tại Hà Nội, cái tên “Giặt là Sáng” ra đời đơn giản như thế.

Năm 2020, ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng” vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én vàng” cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức và giải “Best performance” trong chương trình “Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội” (Youth co:lab) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với “Sáng” khi liên doanh cùng chuỗi nhượng quyền “Giặt Ký” đầu tư với số vốn 101 triệu đồng cho ra đời “Tiệm giặt là của người Điếc” đầu tiên tại địa chỉ ven bờ sông Sét, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Dưới thương hiệu “Giặt Ký +” là chuỗi cơ sở kinh doanh giặt là tại Hà Nội, tiệm sử dụng hoàn toàn nhân sự là những người điếc, khiếm thính. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng, lợi nhận sẽ được sử dụng hoàn toàn cho các lớp học kỹ năng sống cho người điếc, hỗ trợ người điếc hòa nhập xã hội.

Thế nhưng, khởi nghiệp trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nên khi hoạt động được 2 tháng, “Giặt là Sáng” đối mặt với khó khăn kép bởi các đợt giãn cách xã hội, thời điểm mùa hè không phải là “mùa giặt”. Hình ảnh cơ sở phải đóng băng dịch vụ, tiếp nhận lượng khách hàng ít ỏi, thậm chí có ngày cơ sở không có doanh thu. Trước thực trạng đó, Thúy và nhân viên đã đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để “sống sót”.

Vượt qua những ngày sóng gió, trong hành trình tìm lại thương hiệu “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc”, Thúy may mắn nhận được tài trợ từ Giải chạy Pháp ngữ, thông qua tổ chức NICE Program. Cùng với sự nỗ lực, kiên trì của bản thân khi mỗi ngày dành 12 tiếng để làm việc, vừa tổ chức đào tạo nghề, vừa tổ chức dạy kỹ năng cho nhân viên, vừa phải tìm hướng đi phát triển cho tiệm, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng,... Những “đơn hàng” bắt đầu “nổ đơn” và tia nắng đầu tiên đã xuất hiện cho “Giặt là Sáng – Tiệm giặt là của người Điếc”.

-	Ảnh Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái_ và các nhân viên tại “Tiệm giặt là người Điếc”. Ảnh NVCC
Ảnh Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái_ và các nhân viên tại “Tiệm giặt là người Điếc”. Ảnh NVCC

Mô hình việc làm đầu tiên cho người Điếc

Thúy chia sẻ: “Tôi nhớ như in hình ảnh chạy xe máy, vận chuyển 2 bao đồ khoảng hơn 50kg, trong khi cân nặng của tôi chỉ 43kg. Tôi trải nghiệm mọi công việc mà mình có thể làm trong quá trình này, dù thời tiết, tình hình dịch bệnh thay đổi như thế nào đi nữa thì tôi và mọi người vẫn chăm chỉ thay nhau làm việc. Tôi nhớ có lần, chúng tôi lần lượt bị nhiễm Covid-19 và phải làm thay nhau trong một thời gian dài. Tiệm giặt là không thể đóng cửa ngày nào vì chúng tôi rất có trách nhiệm với đồ của khách hàng. Vậy mà cuối cùng thời gian đó cũng qua đi, chúng tôi lại vượt qua một cánh cửa thì cũng trở nên mạnh mẽ hơn”.

Trong khoảng gần 2 năm vừa qua, từ ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng”, Thúy đã xây dựng thành công mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc” tại quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ 3 bạn người điếc, khiếm thính ban đầu đến nay đã có 10 người điếc, khiếm thính và phục vụ cho gần 4.000 khách hàng. Để đạt được những con số biết nói trên từ chính sự tin tưởng khách hàng và nỗ lực của các “nhân viên đặc biệt” trong việc xây dựng môi trường làm việc tiếp cận.

Chị Thúy cho biết thêm, để “Tiệm giặt là của người Điếc” có thể trụ vững, cạnh tranh một cách sòng phẳng với mô hình kinh doanh khác, ngoài chú trọng yếu tố chất lượng phục vụ, cửa hàng đã đẩy mạnh sự khác biệt và chuyên sâu hơn. Các nhân viên được dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu, các quy trình làm việc riêng biệt phù hợp với dạng tật, được thể hiện bằng sơ đồ, hình ảnh trực quan sinh động. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng biệt để giao tiếp trơn tru, không gây trở ngại cho khách hàng. Các trường hợp khó hơn sẽ có các bạn nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng, đảm bảo khách hàng được phục vụ một cách thoải mái nhất.

Về chất lượng sản phẩm, ngoài việc giặt là các sản phẩm thông thường, tiệm còn nhận vệ sinh cho các mặt hàng cao cấp (áo lông vũ, quần áo đắt tiền…) theo đúng yêu cầu, mong muốn của khách hàng; có công nghệ giúp giày dép sáng bóng như mới.

Được đánh giá mô hình việc làm đầu tiên cho người điếc, khiếm thính tại Việt Nam, Lương Thị Kiều Thúy định hướng phát triển, xây dựng mô hình chuẩn để nhượng quyền, mở ra nhiều chi nhánh để tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người điếc khắp Việt Nam. Với phương châm hoạt động không chạy theo số lượng mà theo chất lượng, tạo giá trị việc làm bền vững là mục tiêu mô hình “Giặt là Sáng – Tiệm giặt là của người Điếc” hướng đến.
Những nhà báo nữ lan tỏa lòng nhân ái đến với cuộc đời
Hoa nhân ái rạng ngời ở vùng khó khăn
Nữ cán bộ kết nối những tấm lòng nhân ái
Cô giáo với tấm lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.