Cải cách Luật Đất đai sẽ mang lại tác động tích cực trong phát triển kinh tế

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 được tổ chức vừa qua, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sâu sắc về các nội dung liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai.
Toàn cảnh Chuyên đề 1 với chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Toàn cảnh Chuyên đề 1 với chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Theo ông Tùng, có 3 xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh này đặt ra những yêu cầu đặc biệt, thậm chí là chưa từng có đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật để thực hiện có hiệu quả yêu cầu về cải cách, hoàn thiện thể chế. Trong đó, không chỉ yêu cầu hướng tới khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy mới và tầm chiến lược mới.

Nhằm thực hiện mục tiêu được đặt ra Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), ông Tùng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật…

GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định, trong 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định rõ ràng về khái niệm “giá đất thị trường”. Do đó, gần 10 năm qua, các vấn đề nảy sinh về giá đất xuất hiện ngày càng nhiều. Việc tìm ra nguyên nhân để sửa lại không hề đơn giản. Để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng. Cùng với đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D…

Ba vấn đề ưu tiên trong sửa đổi Luật Đất đai

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tập trung trao đổi về 3 vấn đề tâm huyết, ưu tiên trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Trong đó, ưu tiên thứ nhất là công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế. Thứ hai là giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng. Thứ ba là chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt thì sẽ thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt Nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất. Thông qua hệ thống dữ liệu này, có thể cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Nêu quan điểm về sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, có ba vấn đề về tài chính, đất đai. Đó là vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là một “lỗ hổng” vô cùng lớn mà Luật Đất đai năm 2013 đã không bịt được và tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch và cũng từ đây xảy ra một số sai phạm. Về vấn đề giá đất cũng còn những vấn đề tồn tại, nhất là các phương pháp xác định giá đất hiện nay chưa thực sự nhất quán, chính xác. Đây là vấn đề sắp tới phải rà soát lại để định ra phương pháp phù hợp nhất, chính xác và nhất quán nhất. Trong vấn đề giao đất, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phải quy định thời điểm xác định giá đất đến thời điểm giao đất không quá 6 tháng để bảo đảm độ chính xác và nộp tiền vào ngân sách thì mới giao đất.

Từ góc nhìn về tác động của các chính sách pháp luật đất đai đến thị trường bất động sản, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Cụ thể, cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và sử dụng cơ chế thị trường trong lựa chọn các nhà đầu tư dự án phát triển bất động sản. GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đề xuất, cần thực hiện số hóa toàn bộ thông tin đất đai và bất động sản để hình thành hệ thống thông tin số về đất đai, bất động sản thống nhất, đồng bộ phục vụ cho quản lý biến động và thông tin chiếm giữ bất động sản.

Ở góc độ là chuyên gia quốc tế, ông Andrew Jeffies, GĐ quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá, rất khó xác định giá trị của đất trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng, năng động như ở Việt Nam hiện nay. Chính phủ cần tập trung thực hiện giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác tái định cư, đồng thời giảm thất thoát nguồn thu liên quan đến đất đai. Muốn vậy, hệ thống thông tin cần được số hóa, để các bên có thể tiếp cận thông tin đất đai một cách minh bạch, từ đó có quyết định hiệu quả hơn.
Những khó khăn thị trường bất động sản phải đối mặt
Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải
Đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho Nhân dân
Sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai
Rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.