Cải cách hành chính của TP Hà Nội: Yếu tố con người là mấu chốt

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN với các địa phương do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Quan điểm cải cách hành chính của TP Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn con người là mấu chốt trong hệ thống đó".
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội và có bài tham luận về “Sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN”.

Thông tin về kết quả cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, cùng với việc tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ cải CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, TP Hà Nội tập trung đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng: “Cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC”.

Theo đó, TP đã phân cấp 10 lĩnh vực quản lý Nhà nước cho các quận, huyện, thị xã và ủy quyền một số nhiệm vụ của TP thực hiện xuống cho các quận, huyện có đủ điều kiện về con người, nguồn lực, bộ máy.

HĐND TP cũng đã phê chuẩn việc TP ủy quyền 638 TTHC cho cấp quận, huyện. Đến nay, TP đã đạt được một số kết quả nổi bật: Đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 TTHC, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số TTHC cấp TP và cấp huyện (Thủ tướng Chính phủ giao 20%).

Về cắt giảm TTHC, TP đã đạt 31,3%, vượt trên mức Thủ tướng Chính phủ giao (20%). TP cũng đã kết nối với hệ thống quản lý, theo dõi nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phân công cho các tỉnh, TP. Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ giao 44 nhiệm vụ, hiện TP đã hoàn thành 2/44 nhiệm vụ đúng hạn, các nhiệm vụ còn lại đang triển khai.

Về triển khai Đề án 06, TP Hà Nội được chọn làm điểm nên có thuận lợi là nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Chính phủ. Hiện TP đang triển khai tốt và không chỉ bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu của gần chục triệu dữ liệu dân cư của Hà Nội mà còn kết nối các dịch vụ công khác như về bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đồng thời làm sạch dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đối với công dân có yếu tố nước ngoài, trẻ em có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở đó phục vụ tốt cho công tác quản lý dân cư.

Chủ tịch UBND TP cảm ơn Bộ Nội vụ vừa qua đã cùng UBND TP tổ chức hội nghị trực tuyến “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính TP Hà Nội” (ngày 18/8/2022) với hơn 5.000 người nghe để TP quán triệt chủ trương CCHC phân cấp, ủy quyền của TP xuống cán bộ cơ sở, đồng thời đề xuất thời gian tới Bộ Nội vụ giúp TP triển khai đánh giá TTHC của các sở, ngành và cấp huyện để làm thí điểm trong năm 2022 và chính thức vận hành năm 2023.

Đây sẽ là động lực để cán bộ, công chức làm tốt hơn, trách nhiệm hơn. “Quan điểm CCHC của TP Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn con người là mấu chốt trong hệ thống đó”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Hiệu quả trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân tốt hơn
Những hiệu quả từ cải cách tư pháp tại Hà Nội
Hà Nội ban hành khung chỉ số cải cách hành chính cấp xã
Hà Nội: Cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng khu công nghiệp

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.