Phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền:

Hướng dẫn cụ thể, rõ quyền, trách nhiệm từng cấp, từng ngành

HĐND TP Hà Nội khóa XVI vừa thông qua hai Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội. Đây được coi là nội dung đột phá của Hà Nội, nhằm nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong công việc của các địa phương.
Phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN
Phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN

Đối với việc triển khai phân cấp quản lý Nhà nước và ủy quyền trên địa bàn TP, đây là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP; là giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP. Vì vậy, nội dung này được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, tập trung chỉ đạo.

TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, việc phân cấp, ủy quyền phù hợp đã tạo ra hiệu quả. Như trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tại nhiều quận, huyện, đạt tỷ lệ giải ngân cao bởi người đứng đầu đã thực sự vào cuộc trong trách nhiệm được phân quyền, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ…

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vướng mắc, nhiều lĩnh vực việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, dẫn đến chồng chéo, ách tắc. Nhiều bất cập trong thực tiễn đã từng được nêu ra như việc quận, huyện có nguồn lực nhưng không thể đầu tư cho một số lĩnh vực bởi cấp mình không được phân cấp quản lý.

Việc Hà Nội thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và HĐND TP đã thông qua Nghị quyết, Đề án về vấn đề này chính là một bước đột phá, phù hợp với tình hình hiện nay. Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội vừa được thông qua đã bóc tách các nhiệm vụ, thủ tục hành chính để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện.

Với Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội đã có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý như đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với chiếu sáng, thoát nước; đầu tư chợ, trường học...

Để Đề án phân cấp, ủy quyền đạt được hiệu quả như kỳ vọng, các đại biểu HĐND TP đều đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp, ủy quyền. Tăng cường công tác hướng dẫn cho các quận, huyện, thị xã. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để tiếp tục rà soát, xây dựng đồng bộ quy định; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của TP để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp; rà soát về TTHC, giảm thời gian thực hiện.

Với Nghị quyết, Đề án lần này, lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện ở Hà Nội đều kỳ vọng việc phân cấp, ủy quyền triệt để sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Vấn đề tiếp theo là có những hướng dẫn cụ thể về lộ trình, rõ quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, tránh những vướng mắc trong thực tiễn.

Phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội
Phương án phân cấp giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ
Nâng cao hiệu quả thông qua phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.