Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số ca Covid-19 nặng đang điều trị

Cả nước hiện còn 1.552 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 279 bệnh viện. Trong số đó có có 89 ca nặng phải thở ôxy, bao gồm 9 ca thở máy. Cùng với 9 tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đứng thứ 2 trong tốp 10 địa phương có số bệnh nhân nặng cao.
Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số ca Covid-19 nặng đang điều trị
Tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn là biện pháp phòng nhiễm bệnh, trở nặng hiệu quả (ảnh: TTYT HBT)

Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 17g ngày 8/9, Việt Nam ghi nhận 1.708 ca bệnh Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh từ đầu vụ dịch lên 4.109.677 ca bệnh Covid-19. Có 4.090.825 trường hợp (99,5%) đã khỏi bệnh, 9.139 trường hợp (0,2%) đã tử vong. Hiện còn 9.734 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 1.552 ca đang điều trị tại 279 bệnh viện. Trong số đó có 89 ca nặng phải thở ôxy, bao gồm 9 ca thở máy.

So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 18,5%; số ca khỏi giảm 31,3%, số ca tử vong giảm; số ca đang điều trị giảm 542,1%, và số ca nặng giảm 47,0%.

So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới ít hơn 6,4%. Số ca tử vong tăng 20,0%; số ca khỏi bệnh ít hơn 16,5%...

So sánh với tháng trước, số ca mắc mới tăng 55,9%; số ca tử vong tăng 475,0%; Số ca khỏi bệnh tăng 99,6%. Đồng thời, số ca đang điều trị tại BV cũng tăng 132,5%; Số ca nặng, nguy kịch tăng 152,5% (Mask, gọng kính tăng 168,3%; Thở máy xâm lấn tăng 185,3%)

Trong số các địa phương có số ca mắc mới cao, số ca đang điều trị cao, bệnh nhân nặng cao... thì Hà Nội đều được xếp thứ 1 hoặc 2.

Cụ thể, theo thống kê của Tiểu ban điều trị, trong số các địa phương có số ca mắc mới cao thì dẫn đầu là Hà Nội với 385 trường hợp; tiếp đến là Quảng Ninh (190), Hải Phòng (159), Thái Nguyên (151), Phú Thọ (150), Yên Bái (108),...

Tương tự, Hà Nội cũng đứng đầu 10 địa phương có số ca đang điều trị cao với 4.598 bệnh nhân. Tiếp đó là Hải Phòng (733), Phú Thọ (641), Tuyên Quang (611), Yên Bái (494), Bà Rịa - Vũng Tàu (242), Quảng Ninh (238), Khánh Hòa (233), Bắc Giang (229), Tây Ninh (211).

Trong số các địa phương đang có số ca nặng cao thì Quảng Ninh đứng đầu với 21 ca. Hà Nội đứng thứ 2 với 12 trường hợp. Tiếp đến là Cần Thơ (10), Tây Ninh (9), Đồng Tháp (8...

Trong số 10 tỉnh có số ca bệnh mới cao nhất trong 24 giờ qua Hà Nội cũng đứng đầu với 385 ca. Tiếp sau là Quảng Ninh (190), Hải Phòng (159), Thái Nguyên (151), Phú Thọ (150), Yên Bái (108), Tuyên Quang (99), Nam Định (74)...

Cũng tại thống kê này cho thấy, trong ngày 8/9, Hà Nội ghi nhận 385 trường hợp, tăng 30,2% so với trung bình 7 ngày trước. Hiện có 4.598 ca đang điều trị, theo dõi, tăng 7.0%. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 12 trường hợp phải thở ô xy (tăng 35,5% so với trung bình 7 ngày trước đó).

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, vẫn ghi nhận số ca mắc và sự xuất hiện nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 hiện nay, Bộ Y tế gửi thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thông điệp phòng chống dịch Covid-19 được đưa ra với các biện pháp như sau: Khẩu trang+Khử khuẩn+Vắc-xin. Ngoài ra, vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Cụ thể, việc đeu khẩu trang được khuyến khích khi đến nơi công cộng. Bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19;

Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021;

Và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế.

(Hướng dẫn chi tiết theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế)

Khử khuẩn: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Vắc-xin: Thực hiện tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19.

Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Ý thức người dân: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu-độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

Các biện pháp khác: Theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.

Tăng hơn 50% số bệnh nhân Covid-19 nặng, Bộ Y tế kích hoạt trở lại tổ hội chẩn trực tuyến
Ca Covid-19 nặng, nguy kịch tăng, Bộ Y tế yêu cầu rà soát kế hoạch thu dung người bệnh
Quy định mới về đeo khẩu trang phòng, chống COVID-19 tại nơi công cộng
Xuất hiện nhiều biến chủng virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế gửi thông điệp phòng dịch mới

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.