7 năm chưa có hồi kết vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ

Sau 7 năm xảy ra vụ tranh chấp, phiên tòa dân sự xét xử vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ tiếp tục hoãn với nhiều lý do…
Đại diện của vợ chồng cụ Hợp tại phiên tòa bị tạm hoãn
Đại diện của vợ chồng cụ Hợp tại phiên tòa bị tạm hoãn

Từ vụ án dân sự…

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa dân sự vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vụ án có liên quan đến việc con dâu khai tử bố mẹ chồng ở Tây Hồ, Hà Nội. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định hoãn tòa.

Vị chủ tọa nêu, tòa án đã triệu tập một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, họ là những đơn vị, cá nhân triệu tập lần đầu nhưng đã vắng mặt, trong đó có đại diện UBND TP Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai và 1 số người khác vắng mặt không lý do. Cũng tại tòa, phía nguyên đơn đề nghị hoãn tòa để tiến hành định giá lại tài sản. Trong vụ án, chị Hoàng Thùy Linh, SN 1975, mua nhà của bà Vũ Thị Viễn, SN 1956, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chị Linh yêu cầu khởi kiện vì cho rằng, bà Viễn ở nhờ nhà của mình. Trước những diễn biến này, sau hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn tòa.

Hồ sơ vụ án cho thấy, nguyên đơn là chị Hoàng Thùy Linh, anh Nguyễn N, SN 1968, cùng trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Bị đơn trong vụ án là bà Vũ Thị Viễn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp, SN 1932; cụ Nguyễn Thị An, SN 1932, cùng trú tại quận Tây Hồ. Người đại diện theo ủy quyền của 2 cụ Hợp, cụ An là bà Đỗ Thị Huyền, SN 1959; ông Đỗ Xuân Hương, SN 1970 - trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội; bà Đinh Hồng Nhung, SN 1991, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ngoài 2 cụ Hợp, cụ An, còn có 12 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án như: Phòng công chứng số 3 TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, Phòng công chứng số 1, UBND phường Nhật Tân…

Trước đó, ngày 18/9/2020, phiên tòa xét xử vụ việc đã được mở, dù bị đơn không có mặt, HĐXX vẫn làm việc. Sau khi tranh tụng, HĐXX nhận thấy việc bà Viễn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng đang sống có dấu hiệu vi phạm hình sự. Căn cứ Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX tạm dừng xét xử, chuyển hồ sơ để đề nghị CQĐT làm rõ.

Thời điểm đó, trình bày trước HĐXX, chị Linh cho biết, năm 2015, chị cùng chồng mua khu đất và ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 180m2, nằm ven hồ Tây thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bà Viễn cung cấp các loại giấy tờ có chứng nhận của cơ quan chức năng như sổ đỏ khu đất đứng tên vợ chồng bà Viễn, di chúc của ông Tiến (chồng bà Viễn) thừa kế lại tài sản cho vợ và 2 con gái.

Sau khi trực tiếp đến khảo sát nhà và đất, vợ chồng chị Linh nhận thấy các căn cứ mua nhà đều hợp pháp nên họ bỏ ra 12 tỷ đồng để mua lại mảnh đất cùng ngôi nhà 3,5 tầng. Sau đó, các bên hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ.

Giữa năm 2015, vợ chồng chị Linh đến nhận nhà thì bị cụ Hợp và người thân ngăn cản vì cho rằng việc bà Viễn bán nhà, đất là trái phép khi chưa có sự đồng ý của gia đình. Sau đó, chị Linh mới làm đơn khởi kiện bà Viễn ra tòa để đòi nhà.

Về phía bà Viễn dù vắng mặt nhưng bà đã có văn bản lời khai gửi HĐXX. Bà Viễn khai nhận, trước đó ông Hợp và bà An chia đất cho con trai là ông Tiến. Lúc này, ông Tiến và bà Viễn đã kết hôn được 4 năm. Đến năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Viễn. Năm 2005, ông Tiến qua đời nên bà Viễn đến Phòng công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai hưởng quyền thừa kế tài sản.

Trong thông báo ngày 4/7/2006 gửi UBND phường, công chứng viên ghi: "Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết". Lý giải về sự việc trên, bà Viễn khai, bà làm theo lời chồng dặn, kê khai là bố mẹ chồng chết cả rồi. Đến năm 2015, bà Viễn làm thủ tục bán nhà đất cho vợ chồng chị Linh và xin ở lại 1 tháng để tìm nhà mới. Sau khi hết thời gian, vợ chồng chị Linh đến yêu cầu bà Viễn bàn giao nhà nhưng chị Mai (con gái bà Viễn) và một số người lớn tuổi không cho chị vào ngôi nhà chị đã mua.

Trong biên bản ghi lời khai, bà Viễn cũng cho rằng, các thủ tục mua bán nhà, đất cho vợ chồng chị Linh là hợp pháp.

… đến vụ án hình sự

Đáng chú ý, ngày 19/7/2021, CA quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết, đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng còn sống. Quyết định này được đưa ra sau gần một năm TAND Hà Nội trả hồ sơ vụ án dân sự tranh chấp đòi nhà.

Theo CQCA, việc ra quyết định khởi tố được thực hiện khi CQĐT nhận được đơn tố cáo của vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An về việc một số cán bộ câu kết làm giả hồ sơ nhằm khai tử 2 cụ khi họ còn sống. Vợ chồng cụ Hợp cho rằng, những người trên đã tạo điều kiện cho bà Vũ Thị Viễn (con dâu) chiếm đoạt tài sản nhà, đất và tước đoạt quyền thừa kế.

Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, cụ Hợp chia cho con trai cả, ông Tiến, mảnh đất rộng hơn 180m2 sau khi con lập gia đình. Năm 2005, ông Tiến qua đời khi đã xây xong nhà. Một năm sau, bà Viễn (vợ ông Tiến) đến Phòng Công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất.

Thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên ký duyệt nêu rõ: "Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết".

Năm 2015, con gái cả của bà Viễn gặp cụ Hợp và thông báo mẹ mình đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.

Cụ Hợp sau đó tới UBND phường tìm hiểu và biết được chính con dâu đã khai tử bố mẹ chồng. Khi ông hỏi chuyện thì bà Viễn đã bán nhà, đất và sang tên sổ đỏ cho người khác.

Tuy nhiên, 3 tháng sau, CQCA thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án do vụ án dân sự đòi đất chưa xét xử nên chưa xác định được hậu quả cụ thể.

Khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong ba trường hợp: Chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án…; có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Tranh chấp “đất vàng” gần 200 tỉ đồng: Nhiều dấu hiệu bất thường
Kháng cáo bản án liên quan đến vụ tranh chấp “đất vàng” gần 200 tỉ đồng
Phát huy vai trò của hòa giải viên trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp
Tranh chấp giữa các nhà đầu tư góp vốn

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.