Giải ngân vốn đầu tư công: Cần có giải pháp căn cơ, đột phá

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề để bàn các nội dung: Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Hà Nội; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì.

Tham dự hội nghị có đại diện một số cơ quan T.Ư; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức; bí thư các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, "Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Hà Nội" là nội dung rất hệ trọng và bức thiết trong bối cảnh của TP hiện nay; có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng tại các cấp chính quyền của TP, đặc biệt là tại cấp Sở/ngành và cấp quận/huyện trên địa bàn TP Hà Nội.

Đến nay, sau nhiều vòng cho ý kiến, nội dung Đề án đã bước đầu rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, các thủ tục hành chính để từng bước đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách mạnh hơn, triệt để hơn và thực chất hơn.

Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện của Quy định về phân cấp, ủy quyền trên địa bàn TP; từ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai tại địa phương, đơn vị mình, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, các đồng chí thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc TP tập trung thảo luận, đánh giá kỹ và cho ý kiến chất lượng về từng nội dung phân cấp, ủy quyền.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, sau gần 2 tháng triển khai Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 8; kết quả giải ngân toàn TP đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức thấp.

Vì vậy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân cụ thể, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong tổ chức thực hiện đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của TP theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54 ngày 15/8/2022.

Đồng thời, cần thảo luận, bàn kỹ và đề xuất các giải pháp rất cụ thể, nhất là các giải pháp có tính căn cơ, có tính đột phá cho các "điểm nghẽn" có tính chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành của TP.

“Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô chúng ta, không chỉ cho năm 2022, cho nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, Đề án, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu đạt 90%
Hà Nội: Đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022
Xử lý trách nhiệm cá nhân đối với cơ quan đơn vị giải ngân đầu tư công đạt thấp
Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.