Hà Nội sôi động bất động sản công nghiệp

Trong năm 2022 Hà Nội tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN), trong đó khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 CCN đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020… Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, giai đoạn này bất động sản công nghiệp của Hà Nội được đánh giá hết sức sôi động.
Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 CCN đã có quyết định thành lập.  Ảnh: G.B
Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 CCN đã có quyết định thành lập. Ảnh: G.B

Hà Nội đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, CCN

Tháng 7/2022, UBND huyện Phúc Thọ, Hà Nội tổ chức lễ khởi công CCN Võng Xuyên. Tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, CCN Võng Xuyên được khởi công đi vào hoạt động góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Năm 2020, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cho huyện Phúc Thọ thành lập 6 CCN với tổng diện tích gần 95ha. Cụ thể là các CCN: Võng Xuyên, Tam Hiệp, Long Xuyên, Thanh Đa, Nam Phúc Thọ và Liên Hiệp (giai đoạn 2).

Theo UBND TP Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng 7,79% của GRDP TP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 6,73%, đóng góp 0,88% vào mức tăng của GRDP.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, cũng như tháo gỡ khó khăn để các DN trên địa bàn phát triển, trong năm 2022 Hà Nội tập trung phát triển các khu công nghiệp, CCN. Theo đó, TP sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động. Cùng với đó, TP tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 CCN đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15-20 CCN mới; bổ sung 4 CCN mới vào Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, CCN cùng những chính sách ưu đãi đầu tư đã giúp Hà Nội nổi lên như một trong những địa phương thu hút các DN FDI tốt nhất cả nước. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính về đất đai, GPMB để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, CCN; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư, DN giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án (DA)… Qua đó phát huy tối đa hiệu quả của các DA, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Tín hiệu khả quan khi bất động sản công nghiệp được lấp đầy

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, TP, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn DN từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Báo cáo tháng 7/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, ngành công nghiệp hiện vẫn là ngành có mức tăng trưởng tốt và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ở trong và ngoài nước. Một số DA đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước sẽ góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường trong tương lai như: Khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700ha, VSIP III quy mô 1.000ha tại Bình Dương; Khu công nghiệp Nam Tân Tập quy mô 245ha và khu công nghiệp Tân Tập quy mô 654ha, DA nhà xưởng và nhà kho quy mô 13,4ha tại khu công nghiệp Phú An Thạnh tại Long An; khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500ha tại Quảng Trị; DA nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Hố Nai quy mô 16,3ha tại Đồng Nai;….

Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong nửa đầu năm 2022 có xu hướng tăng và đạt ở mức cao, trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía Bắc trong nửa đầu năm 2022 đạt khoảng 80%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam là khoảng 85%. Tại một số địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn ở mức cao trên 95% như TP HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh. Giá thuê bất động sản công nghiệp trong quý II/2022 tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, tại khu vực phía Bắc tăng 5-12% và tại khu vực phía Nam là 8-13% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản tất yếu sẽ trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các DN nước ngoài; trong đó, 2/3 DN FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là DN có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, đặc biệt bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút vốn. Đáng lưu ý, dòng tiền FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa. Điều này là bởi các DN nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng 6 CCN: CCN làng nghề Đại Thắng; CCN làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên); CCN Dị Nậu (huyện Thạch Thất); CCN Thắng lợi, CCN Tiền phong - giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); CCN Đan Phượng - giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng).

Hiện Sở Công thương Hà Nội đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 CCN trên địa bàn TP, gồm: 37 CCN thành lập giai đoạn 2018-2020 và CCN Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định DA đầu tư mới, mở rộng 21 CCN; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 CCN.

Cơ hội nào cho bất động sản công nghiệp?
Bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ bứt phá nhờ nối lại đường bay
Tình trạng thiếu hụt lao động khiến nhiều chỉ số kinh tế giảm trong các tháng đầu năm 2022

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.