Khơi thông các điểm nghẽn của thị trường lao động

Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động, việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Thị trường lao động từng bước vận hành theo cơ chế thị trường
Thị trường lao động từng bước vận hành theo cơ chế thị trường

Từng bước phát triển thị trường lao động

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” được tổ chức vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngoc Dung cho biết, thị trường lao động Việt Nam có thể xem được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô và chất lượng cung cầu lao động gia tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ; giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những bất cập như: tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả. Mặt khác, còn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.

Giải pháp cơ bản phát triển thị trường lao động

Đồng ý với các ý kiến thảo luận tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới. Theo đó, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung, cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.

Thủ tướng cho rằng, cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động giao dịch việc làm; chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, DN và nhất là người lao động và người sử dụng lao động.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi… Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước; đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực hiện các văn bản, quy định liên quan tới thị trường lao động; rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với DN; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" được tổ chức sau các hội nghị về thị trường vốn và bất động sản và sắp tới là các hội nghị khác như về phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Các hội nghị được tổ chức trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thực hiện bài bản, đồng bộ.
Quý I/2022: Thị trường lao động, việc làm nhiều khởi sắc
Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động
Hà Nội: Gần 23 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Cần quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại
Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 137.000 lao động trong 7 tháng

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.