Ăn nhiều lòng lợn xào dưa có hại ra sao tới sức khoẻ?

Lòng lợn xào dưa vốn là món khoái khẩu của nhiều người-đặc biệt là dân nhậu. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều và chế biến không đúng cách, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì món ăn này lại tiềm ẩn những nguy cơ có hại tới sức khoẻ.
Ăn nhiều lòng lợn xào dưa có hại ra sao tới sức khoẻ?
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người không nên ăn quá nhiều lòng xào dưa

Với tín đồ của món lòng lợn thì bất kể mùa nóng hay mùa rét, khi được thưởng thức món lòng lợn xào dưa đều là "chân ái" bởi vị chua chua của dưa quyện với vị béo ngậy của lòng và các loại rau gia vị, tạo nên sức hấp dẫn khó quên. Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng, các chuyên gia lại cho rằng, việc ăn quá nhiều lòng lợn-nhất là lòng lợn kết hợp với dưa chua sẽ ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong lòng lợn có nhiều cholesterol, ăn nhiều gây tăng mỡ máu, vữa xơ động mạnh. Do đó, người dân không nên ăn thường xuyên. Thay vào đó, mỗi tháng chỉ nên ăn 1-2 lần.

Đối với dưa muối, món ăn dân dã quen thuộc của nhiều người dân thì đây cũng là món ăn dễ gây tăng huyết áp khi ăn nhiều bởi người dân đã cho nhiều muối nhằm để được lâu. Vì thế, khi kết hợp 2 món này thành món ăn yêu thích, mọi người cũng chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải. “Ăn dưa nấu lòng 1-2 lần/ tháng là vừa phải”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm đưa ra lời khuyên.

Còn PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ: Lòng xào dưa là món ăn dân dã, khoái khẩu của nhiều người. Đây là món ăn đa số đàn ông thích ăn khi nhậu. Tất nhiên lòng có chứa cholesterol nguy hại với những người lớn, người già, người mắc bệnh tim mạch…

"Hơn nữa, lòng là bộ phân chứa chất thải của con lợn nên cần chú ý điều là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Lòng làm ẩu, không sạch thì dễ bị nhiễm bẩn, nguy cơ nhiễm giun sán”, PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Theo các tài liệu y khoa, nội tạng tuy bổ dưỡng nhưng lại chứa rất nhiều chất đạm, cholesterol xấu, acid uric... có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, bệnh gút... Vì thế, mọi người không nên ăn nhiều và thường xuyên. Lượng nội tạng động vật vừa đủ được khuyến cáo là ăn là 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần chỉ từ 50 - 70g cho người lớn và 30 - 50g cho trẻ em. Nếu lượng nội tạng trong 1 lần ăn tăng lên thì bạn nên giảm số lần ăn trong một tuần lại.

Đặc biệt, có một số lưu ý khi ăn nội tạng là phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, tránh mua hoặc ăn nhầm loại thực phẩm đã ôi thiu, sau đó được tẩy rửa lại bằng hoá chất; Không ăn nội tạng không được chế biến kỹ bởi nội tạng động vật rất dễ nhiễm bẩn nên có thể là một ổ vi khuẩn gây bệnh tả, kiết lị, thương hàn, bệnh lao, bệnh than, bệnh viêm gan... Đồng thời chúng cũng có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như sán dây, sán chó, giun xoắn...

Nếu như nội tạng không được sơ chế kỹ càng và nấu chín hoàn toàn, những loại vi khuẩn và ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể người, gieo mầm cho nhiều loại bệnh tật đáng sợ.

Khi ăn nội tạng cần chú ý không ăn loại để qua đêm vì đây là loại thực phẩm rất dễ nhiễm khuẩn. Khi mua về cần chế biến ngay để tránh tình trạng ôi thiu, lên mùi khó chịu hoặc nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe. Nên dùng chanh, giấm, muối hạt làm sạch các loại nội tạng như ruột non, dạ dày... và còn tạo được mùi thơm. Ngay cả khi đã nấu chín và không sử dụng hết, lượng nội tạng thừa cũng nên bỏ đi không nên ăn sau khi đã để qua đêm vì chúng rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và gây ngộ độc.

Khiếp vía bệnh tật khi ăn nội tạng động vật
Nội tạng động vật: Món “khoái khẩu” dễ trở thành… món “khốn khổ”
Phát hiện, bắt giữ gần 600 kg nội tạng động vật nhập lậu...
Nghệ An: Bắt xe buýt chở hơn 2 tạ nội tạng động vật hôi thối
Xe đầu kéo chở 30 tấn nội tạng động vật không nguồn gốc
Hà Tĩnh: Bắt giữ xe container chở gần 11 tấn nội tạng động vật
Phát hiện xe tải chở nhiều nội tạng động vật bốc mùi hôi thối

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.