Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải

Anh nguyễn Kim Đức, công chức tư pháp – hộ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, sau khi được hội đồng hòa giải phân tích, cung cấp các tài liệu về nguồn gốc sử dụng đất, Luật Đất đai, người dân đã hiểu hơn về luật và đi đến hòa giải thành công.
Anh Nguyễn Kim Đức chia sẻ về công tác hòa giải tại xã Vân Canh
Anh Nguyễn Kim Đức chia sẻ về công tác hòa giải tại xã Vân Canh

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Kim Đức, công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, anh chuyển sang lĩnh vực tư pháp từ năm 2013 đến nay. Trong quá trình làm việc, anh được lãnh đạo UBND xã phân công phối hợp với công chức địa chính xây dựng để tham mưu trong lĩnh vực hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã.

Anh Đức cho biết thêm, khi người dân có đơn yêu cầu gửi xã về hòa giải tranh chấp đất đai thì lãnh đạo UBND xã sẽ giao cho công chức tư pháp - hộ tịch và địa chính xây dựng tham mưu, thực hiện để đảm bảo sao cho đúng quy trình. Theo quy định tại Luật Đất đai và Nghị định năm 2014 thì công tác hòa giải tranh chấp đất đai cũng là một trong những thủ tục bắt buộc phải giải quyết, hòa giải tại xã.

Khi nhận được đơn của công dân thì bộ phận tư pháp phối hợp cùng với nhân viên địa chính xây dựng, tìm lại các tài liệu chứng cứ và thu thập từ người dân cung cấp. Từ đó, sẽ đối chiếu các quy định của pháp luật và xem xét nguyên nhân mâu thuẫn là tại đâu. Khi có các thông tin cụ thể, cán bộ tư pháp và địa chính xây dựng sẽ tiến hành tham mưu cho UBND xã ban hành quyết định thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.

Thành phần hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai gồm có đồng chí Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch hội đồng, tùy theo từng tính chất vụ việc. Còn thành phần trong hội đồng thì gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, công chức địa chính xây dựng, công chức tư pháp hộ tịch, trưởng các ngành đoàn thể chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ.

Ngoài ra cơ sở thôn thì cũng mời đồng chí bí thư chi bộ và trưởng thôn nơi mà có đất tranh chấp tham gia vào hội đồng hòa giải tùy theo tính chất của vụ việc. Có những vụ việc sẽ mời người am hiểu quá trình sử dụng cũng như người có tiếng nói tham gia để buổi hòa giải thành công nhất.

Trong tất cả mọi tranh chấp thì bên nào cũng có lý do được cho rằng đúng và họ luôn bảo vệ quan điểm của mình. Và trong hội nghị hòa giải về đất đai thì chủ tọa sẽ có ý kiến, giới thiệu về nội dung mục đích cũng như là thành phần tham gia hội đồng hòa giải và giao cho từng cán bộ thông tin lại vụ việc.

Ví dụ như có trường hợp thì giao cho cán bộ tư pháp thông qua quyết định thành lập hội đồng hòa giải, cán bộ địa chính thông qua đơn và một số nội dung xác minh. Sau đó, các đại biểu tham dự cũng có ý kiến phân tích, đặc biệt là dưới góc độ địa chính sẽ ý kiến về quá trình sử dụng đất và những tài liệu mà hiện nay còn lưu trữ tại UBND xã để làm sao đưa ra chính lý. Cán bộ tư pháp cùng với các đại biểu cũng sẽ phân tích thêm là hiện tại với các bằng chứng chứng cứ đấy thì theo quy định của pháp luật các bên tranh chấp bên nào có lý bên nào không có lý và từ đó cũng phân tích để cho các bên hiểu được để tìm tiếng nói chung.

Chia sẻ về câu chuyện hòa giải, anh Đức cho hay, mâu thuẫn trong một gia đình có thể từ các anh em hoặc một ai đó và vấn đề thường xuyên gặp phải là bố mẹ không để lại di chúc, thừa kế đất cho con gái. Thực tế, theo truyền thống từ xưa đến nay, hầu hết các cụ đều quan niệm con gái đi lấy chồng thì về nhà chồng, bố mẹ thường không để lại đất cho con gái. Đến khi bố mẹ mất đi, người con trai vẫn ở trên đất đó, vẫn sử dụng bình thường thì một ngày người con gái yêu cầu chia tài sản thừa kế từ bố mẹ để lại hoặc vì lý do nào đó, người con gái phải quay về nhà bố mẹ và xin anh chị em trong gia đình một khoảnh nho nhỏ để ở.

Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi giá trị đất ở xã Vân Canh thời gian gần đây có giá trị, người ở trên đất thì nói là đất bố mẹ cho mình không cho người con gái kia. Khi không xin được mảnh đất nhỏ để ở, người con gái kia đã viết đơn gửi UBND xã đề nghị chia thừa kế. Nhận được đơn của công dân, UBND xã đã thành lập hội đồng hòa giải để hòa giải sự việc trên. Tại buổi hòa giải, các thành viên của hội đồng đã phân tích về mặt pháp lý, khi bố mẹ mất đi mà không có di chúc thì quy định của Luật Thừa kế là tài sản phải được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất.

Nếu người con trai không chia một phần đất cho người con gái kia thì người này kiện ra tòa sẽ bị chia đều cho các con và người này sẽ rất bất lợi. Do vậy, đây là tài sản của bố mẹ để lại nên anh chị em trong nhà cần chia cho nhau mỗi người hưởng một chút, trong khi người con trai được nhiều đã là ưu ái hơn. Sau khi nghe mọi người phân tích, người con trai đã nghe ra và thống nhất chia cho người con gái một diện tích nhất định để người này xây dựng nhà ở.

“Tham gia công tác hòa giải về đất đai tôi mới thấy, việc tranh chấp đất đai được hòa giải thành không những giữ lại được tình cảm của các bên mà còn giúp người dân hiểu biết về pháp luật và Luật Đất đai nhiều hơn”, anh Đức nhấn mạnh.
Trợ giúp pháp lý miễn phí: điểm tựa của người yếu thế
Hà Nội xử lý ra sao với một loạt dự án có dấu hiệu vi phạm luật đất đai?
Lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi
Quyền lợi của người mua nhà được đảm bảo thế nào nếu căn hộ có thời hạn 50-70 năm?

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.