Giữ lửa nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại

Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”

Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận quanh khu vực quận Hoàn Kiếm trở thành “điểm hẹn văn hóa” của người dân và du khách vào mỗi dịp tuần. Điểm nhấn bức tranh Hà Nội hào hoa với nghệ thuật ca trù, với tranh truyền thần, với nghệ thuật thư pháp… hay một Hà Nội hiện đại, trẻ trung với đầy đủ loại hình ca kịch được thoải mái dạo bộ không lo va chạm xe cộ. Một Hà Nội bình dị, thân thuộc là được “chill” với những sắc màu văn hóa nghệ thuật đường phố.
Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Nghệ thuật Tuồng biểu diễn định kỳ tại đền Hương Tượng (64 Mã Mây, Hà Nội)

Màu sắc nghệ thuật đường phố

Có mặt tại tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận quanh khu vực quận Hoàn Kiếm vào mỗi dịp cuối tuần, du khách được sống đúng nghĩa không gian văn hóa cộng đồng. Trẻ nhỏ vui cười với màn xiếc nhào lộn, thăng bằng, đu dây hay xiếc thú trước đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng được biểu diễn từ các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, thưởng thức màn múa rối cạn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Khán giả trung niên dạo qua khu vực tượng đài Vua Lê trên đường Lê Thái Tổ để nghe các nghệ sĩ hát xẩm, hát ca trù. Hay đền Bạch Mã nghe hát Văn, đền Hương Tượng địa chỉ 64 Mã Mây thưởng thức nghệ thuật Tuồng. Trước cửa rạp Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, biểu diễn cải lương, ca kịch dân tộc. Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Thu hút nhiều lứa tuổi khán giả là loại hình sân khấu kịch nói Thủ đô được Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức định kỳ ngay trước cửa rạp Công nhân trên phố Tràng Tiền và sân khấu Quảng Lạc với nhiều trích đoạn sân khấu vui tươi, dí dỏm tạo tiếng cười sảng khoái.

Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Khán giả chen chân xem kịch tại cửa rạp Công nhân, Nhà hát Kịch Hà Nội

Khác với sân khấu trang hoàng với thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, dàn máy lạnh, ghế ngồi sang trọng thì trong không gian nghệ thuật cộng đồng, trong cái đơn sơ của sân khấu, các nghệ sĩ đối diện với khán giả, khán giả được trực tiếp giao lưu ở khoảng cách gần gũi, thân thuộc. Khán giả người đứng, người ngồi, chẳng cần “mũ cao, áo dài”, đôi khi là trang phục ở nhà, thêm cái quạt nan phe phẩy tìm được chỗ nào ưng ý thì chọn và xem Kịch nói, nghe Chèo, nghe Xẩm, nghe Tuồng với cái “mộc” nhất của bộ môn truyền thống.

Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Chăm chú theo dõi Tiểu phẩm hài kịch trên sân khấu ngoài trời

Lợi thế khi đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố là có lượng khán giả phong phú, không chỉ là những người từng biết, từng nghe Chèo, Xẩm, Tuồng mà những người mới, khán giả trẻ, du khách nước ngoài chưa từng được biết đến nghệ thuật Chèo, Xẩm, Tuồng.

Để lôi cuốn khán giả, các tiết mục nghệ thuật truyền thống được các đơn vị nghệ thuật thay đổi theo từng buổi và được tổ chức hoàn toàn miễn phí. Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, định hướng đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố, phục vụ đa số đại quần chúng Nhân dân mang tới cái nhìn mới mẻ về nghệ thuật truyền thống, giúp các loại hình nghệ thuật đến gần với cuộc sống hiện đại, để khán giả dễ dàng tiếp cận hơn.

Mỗi đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong lòng phố đi bộ, đều là sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của những người nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp. Khởi sắc từ các hoạt động văn hóa truyền thống còn góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô nói chung. Qua đó, tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Nghệ thuật Xiếc xuống phố, thu hút đông đảo người dân

“Đòn bẩy” nghệ thuật truyền thống “cất cánh”

Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình (1999-2019), Hà Nội tiếp tục đón nhận vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Đón nhận cơ hội, Hà Nội xác định không gian sáng tạo là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh “Thành phố sáng tạo”.

Với vị thế đặc biệt và những giá trị lịch sử, văn hóa, để xây dựng thành công công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội thì “chìa khóa” là phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống. “Đòn bẩy” cho sự phát triển mạnh về văn hóa gắn liền với du lịch và sản phẩm mang giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện nay, tuyến phố đi bộ Hồ Gươm mới khai thác các chương trình nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật Thủ đô đóng tại Hà Nội. Trong khi, khắp nơi bao quanh vùng nội đô Hà Nội, có rất nhiều đặc sản nghệ thuật truyền thống như hát chèo tàu (Đan Phượng), hát trống quân (Thanh Oai, Đan Phượng...), múa rối nước (Thạch Thất, Đông Anh...), hát ca trù ở Lỗ Khê (Đông Anh), Ngãi Cầu (Thanh Oai),…chưa được giới thiệu định kỳ tại phố đi bộ.

Nhằm giữ gìn, đổi mới sáng tạo, hình thành những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, góp phần xây dựng “Thành phố sáng tạo", phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung vào 4 loại hình chính là: Nghệ thuật Chèo, Cải lương, Múa rối và Kịch.

Bài cuối: Khi nghệ thuật truyền thống xuống phố và hành trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Một tiểu phẩm của Nhà hát Kịch Hà Nội

Công tác bảo tồn và phát huy các loại hình ca kịch truyền thống được ngành Văn hóa phối hợp quận, huyện, thị xã tập trung vào việc sưu tầm và xây dựng danh mục các loại hình: Chèo, Cải lương, Múa rối, Kịch chuyên nghiệp và không chuyên; xây dựng danh mục các làn điệu, vở diễn, tích trò, trích đoạn cổ đứng trước nguy cơ mai một cần gìn giữ và bảo tồn nguyên trạng; xây dựng danh mục các làn điệu, trích đoạn, vở diễn có khả năng phát huy, chỉnh lý, bổ sung để nhân rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phục dựng một số vở diễn cổ, trích đoạn, làn điệu tiêu biểu thuộc loại hình nghệ thuật: Chèo, Cải lương, Múa rối, Kịch do các nghệ sĩ của Hà Nội biểu diễn để quay phim tư liệu, in sang đĩa DVD nhằm bảo vệ, lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền và đưa vào danh mục trưng bày.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa nghệ thuật ca kịch truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách phù hợp với thực tế. Chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật Chèo, Cải lương, Múa Rối và Kịch trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô.

Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các nhà hát như: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách như Nhà hát, dịch vụ bổ trợ, thời gian tổ chức biểu diễn linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng khách du lịch…

Thông qua các hoạt động hợp tác và giao lưu văn hóa song phương, đa phương, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước trong khu vực và trên thế giới, các sự kiện văn hóa quốc tế tổ chức tại Hà Nội để giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tới bạn bè quốc tế.

Nhiều năm qua, với tinh thần phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại, cùng sự nỗ lực của ngành Văn hóa và TP Hà Nội, các loại hình nghệ thuật truyền thống được giới thiệu, làm tốt vai trò “kênh văn hóa” trong cộng đồng. Qua đó, thực hiện tốt Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Bài 1: Đánh thức tình yêu âm nhạc truyền thống từ sân khấu học đường
Bài 2: Có một ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.