Hà Nội trên chặng đường biến "giấc mơ" thành sự thật:

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng đất bãi sông Hồng là "viên ngọc xanh" vô cùng quý giá, tuy thô mộc nhưng gọt giũa sẽ phát huy được giá trị cảnh quan, môi trường chung cho Thủ đô. Vì vậy, việc biến đất bãi sông Hồng trở thành công viên văn hóa, du lịch là hướng đi đúng đắn, phát huy được những lợi thế phát triển văn hóa, du lịch của Hà Nội.
Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô
Sau khoảng thời gian dài chờ đợi, mới đây TP Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, trong đó có dự án xây dựng bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch. Ảnh: Khánh Huy

Lời toà soạn: Với vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong tiến trình đổi mới Thủ đô và đất nước, tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những dự án được đề cập đến trong loạt bài cũng là những hành động của Hà Nội nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đó, dù có thể, có dự án, nhiều người cho rằng, đó là những giấc mơ rất khó thành sự thật.

Công viên văn hóa, du lịch - không gian mở, xanh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, du lịch

Sau khoảng thời gian dài chờ đợi, mới đây TP Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, trong đó có dự án xây dựng bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch. Đồ án này được kỳ vọng sẽ mang đến sự “lột xác”, khơi dậy những giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch vùng đất bãi rộng lớn bị bỏ phí nhiều năm qua.

Vùng đất bãi bồi ven sông Hồng được tính từ đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở chạy qua 13 quận, huyện của Hà Nội có diện tích khoảng 5.000 ha. Đây là quỹ đất rộng lớn, nhiều tiềm năng của Hà Nội nhưng chưa được đưa vào khai thác. Tại những đoạn gần khu dân cư đất bãi bồi sông Hồng, môi trường rất ô nhiễm. Những đống vật liệu xây dựng, rác thải đổ trộm diễn ra tại những khu đất bãi bồi sông Hồng thuộc quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Gia Lâm, ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan đô thị cũng như chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh đó, cạnh những khu vực này là những xóm nghèo hoặc khu ở tạm bợ của những người dân lao động tự do ngoại tỉnh, mưu sinh tại các khu vực chợ Long Biên, vùng lân cận. Ngoài những gia đình đã được chính quyền địa phương cấp đất ở cạnh bờ sông Hồng sinh sống nhiều năm nay là những căn nhà nổi tự phát của người dân, lấn chiếm mặt nước của khu vực bãi sông Hồng.

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô
Khu vực trồng cây nông nghiệp tại bãi giữa, bãi bồi sông Hồng. Ảnh: Khánh Huy

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 định hướng không gian xanh hai bên sông Hồng sẽ là các không gian mở, tạo không gian giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho người dân đô thị, phát huy cảnh quan sinh thái nông nghiệp phục vụ sản xuất và du lịch. Đối với khu vực đất ở hiện có cũng được cải tạo nâng cao chất lượng không gian, bổ sung tăng cường hệ thống hạ tầng xã hội như sân chơi, giáo dục, y tế, văn hóa, dành quỹ đất tổ chức không gian vườn hoa, cây xanh,... và hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng quy hoạch phân khu đô thị được duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết từng khu vực chức năng, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Có điều, để hiện thực quy hoạch cần có sự quyết tâm giải quyết các thách thức về nguồn lực đầu tư, về ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc xác lập cơ chế, chính sách. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng không gian công cộng trên cơ sở liên kết với vùng, khu vực để phát huy giá trị vùng đất bãi.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hiện nay, tại khu vực trung tâm rất thiếu không gian công cộng, đặc biệt là những không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân. Trong khi đó, khu bãi giữa, bãi bồi sông Hồng lại có lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước và cây xanh - những điều kiện rất tốt để phát triển các không gian nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng.

Vì vậy, quận Hoàn Kiếm đang xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.

Ngành chức năng cũng sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường, nhằm mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô
Quận Hoàn Kiếm đang xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Ảnh: Khánh Huy

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định phụ thuộc mùa nước từng năm, được tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 hécta nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng nhấn mạnh bên cạnh việc siết chặt quản lý về đất đai tại khu vực bãi giữa sông Hồng, quận đã quan tâm vận động quần chúng chung tay trong việc bảo vệ môi trường làm sạch sông Hồng.

Trước đó, vào năm 2020, UBND quận cũng đã thực hiện thành công dự án con đường nghệ thuật tại phường Phúc Tân từ những vật liệu tái chế để trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của du khách khi tới quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.

Vui, lo lẫn lộn

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nếu được phê duyệt và triển khai sớm, bộ mặt đô thị của phường Phúc Tân sẽ thay đổi hoàn toàn, đời sống dân sinh cũng có bước phát triển mới. Bà con có muốn sửa chữa nhà cửa gì còn được cấp phép xây dựng mới, chứ bao năm nay bà con chỉ được cấp phép xây dựng sửa chữa, giữ nguyên hiện trạng...”.

Thông tin về việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch của quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân khu vực ven sông nói riêng, người dân Thủ đô nói chung. Ông Nguyễn Văn Tạo, một người dân phường Phúc Tân cho biết khi bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch, xây dựng thành công viên văn hóa, du lịch, sẽ tạo diện mạo mới hoàn toàn cho khu vực vốn nhếch nhác bậc nhất thành phố những năm qua.

“Việc có thêm khu công viên sinh thái văn hóa giúp cho chúng tôi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Nhiều người dân nơi đây phấn khởi và mong quận triển khai dự án càng sớm càng tốt”, ông Tạo cho biết.

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô
Nhiều người dân mong muốn chính quyền cải tạo khu đất bãi ven sông thành công viên văn hóa, du lịch, nơi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Khánh Huy

Bà Nguyễn Thị Tuyết, người dân phường Phúc Xá (quận Ba Đình) chia sẻ, khi nghe tin thành phố công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người dân ở đây nửa mừng nửa lo. “Nhiều người dân mong muốn chính quyền cải tạo khu đất bãi ven sông thành công viên văn hóa, du lịch, nơi sinh hoạt cộng đồng để khu vực này không còn nhếch nhác. Nhưng cũng có nhiều người lo lắng khi dự án được thực hiện, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải di chuyển đi nơi khác vì chính quyền lấy đất để xây công trình. Tất nhiên, người dân vẫn ủng hộ chủ trương này nhưng mong muốn sớm có một thông tin cụ thể về quy hoạch sử dụng đất để chủ động hơn trong việc xây dựng, tìm kiếm công việc để sinh sống”, bà Tuyết cho biết.

(Còn nữa…)

Bước đột phá cho quy hoạch đô thị ven sông Hồng
Toàn cảnh bãi bồi sông Hồng chuẩn bị quy hoạch thành phân khu đô thị
Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng”

Thái Phương - An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.