Giữ lửa nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại

Bài 2: Có một ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc

Say mê nhịp phách, tiếng sênh và những làn điệu Xẩm, Chèo cổ, hát Văn, Chầu văn, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung đã hồi sinh âm nhạc truyền thống từ một ngôi làng.
Bài 2: Có một ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc
Một tiết học múa Sênh tiền cổ, các làn điệu dân ca cổ tại lớp bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân

Người truyền lửa

Mỗi dịp hè, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung, Chủ nhiệm CLB Dân ca và hát chèo làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại bận rộn với các lớp Xẩm, Chèo cổ, hát Văn, Chầu văn,… Năm nay, lớp học Xẩm dành cho các cháu thiếu nhi rộn ràng hơn khi đang tập luyện các tiết mục tham dự Liên hoan Câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh phía Bắc tổ chức tại Ninh Bình vào tháng 9-2022. Bên cạnh đó, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, mỗi dịp cuối tuần, khoảng sân của nhà văn chỉ làng Mọc lại vang lên tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng đàn nguyệt trầm bổng và lời ca sâu lắng.

Trước nay, ở phường Nhân Chính vốn không có truyền thống về âm nhạc dân gian. Thế nhưng, nhiều năm nay, từ cụ già đến các em nhỏ đều hăng say tập luyện biểu diễn các thể loại âm nhạc truyền thống như hát Xẩm, hát Chèo. Dấu ấn đặc biệt là số ít ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc trong dòng chảy thời đại. Và nghệ nhân Phan Thị Kim Dung (SN 1951) là người dành tâm huyết, nỗ lực trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống.

Trong câu chuyện kể, nghệ nhân Kim Dung cho biết, bà sinh ra trong gia đình có cái nôi nghệ thuật, khi cha là nghệ nhân hát Xẩm tại xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, ngoại thành tỉnh Nam Định. Ông từng là Đội trưởng đội văn nghệ của xã thời bấy giờ. Chính những chiếu Xẩm ở làng đã nhen nhóm tình yêu của bà với di sản phi vật thể của dân tộc - hát Xẩm.

Nhờ được sự truyền dạy kỹ càng về kỹ thuật hát, về nội dung của làn điệu và cách hát Xẩm của cha và may mắn tham dự lớp học hát Xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu giảng dạy tại Đoàn chèo Nam Hà (cũ), bà Dung đã trở thành nghệ nhân hát Xẩm và mang về nhiều thành tích cho quê hương.

Năm 1995, bà Dung theo chồng và các con lên Hà Nội sinh sống tại làng Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Với vốn ca hát và niềm đam mê nghệ thuật truyền thống dân gian, bà Dung đã dành nhiều thời gian và tâm huyết tham gia các CLB và dùng những kiến thức mình đã có để truyền dạy cho các chị em đồng trang lứa độ tuổi U50 tại CLB Xa La - Hà Đông.

Từ năm 2016 đến nay, bà Dung tiếp tục theo học NSND Xuân Hoạch – gương mặt gạo cội của làng âm nhạc dân gian Việt Nam. Ngoài việc học hát, bà Dung tìm hiểu các làn điệu dân ca qua sách, báo để truyền bá lại không chỉ cho các hội viên CLB mà đối tượng là các cháu thiếu nhi với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

Bài 2: Có một ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung trình diễn hát Xẩm

Hành trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Khởi xướng từ năm 2009, CLB Dân ca và hát chèo làng Mọc Quan Nhân ban đầu chỉ vỏn vẹn 14 người, tới nay CLB đã thu hút gần 55 người (35 thành viên tuổi đời từ 35 đến 50 tuổi và 20 cháu thiếu nhi trong độ tuổi từ 7 đến 14 tuổi). Sau 14 năm thành lập, nghệ nhân Phan Thị Kim Dung đã truyền dạy cho gần 300 người của CLB dân ca làng Mọc Quan Nhân, CLB nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân, Hội người cao tuổi Thanh Xuân, Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân và lớp bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân.

Ngoài truyền dạy các kỹ năng hát và biểu diễn hát Xẩm, bà Dung còn truyền bá các loại hình dân ca vùng miền, dân ca quan họ Bắc Ninh, làn điệu Chèo cổ, hát Văn, Chầu văn. Nghệ nhân Kim Dung chia sẻ: “Hiện nay, âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, được truyền dạy cho các em là niềm vui, là động lực với bản thân tôi. Bởi lớp trẻ là tương lai của âm nhạc dân tộc”.

Nghệ nhân Kim Dung cho hay, các cháu thiếu nhi được truyền dạy chủ yếu là hát Xẩm, ngoài ra các cháu được học thêm múa Sênh tiền cổ, các làn điệu dân ca cổ, hát Văn, Chầu văn… Từ “lớp học nghệ thuật” này, một số trường học trên địa bàn phường Nhân Chính đã tổ chức cho học sinh hát dưới cờ như trường Tiểu học Nhân Chính hát Xẩm bài “Hỏi thăm cô Tú”, trường Tiểu học Thanh Xuân Trung hát Văn bài “Xuân về trên đất Thăng Long”.

Năm 2020, nghệ nhân Kim Dung được lãnh đạo Hội Người khuyết tật (NKT) quận Thanh Xuân mời giảng dạy cho nhóm múa hát Chầu văn gồm 10 học viên là các bạn nữ khuyết tật vận động. Sau 3 tháng học và luyện tập của cả thầy và trò, tiết mục “Xuân về trên đất Thăng Long” đã để lại tình cảm sâu sắc nhất trong lòng khán giả khi biểu diễn ở các Hội NKT quận, phường của Hà Nội và Thanh Xuân, các trường THCS, THPT và Đại học... Năm 2020, có 5 gương trong nhóm múa hát Chầu văn được đại diện Việt Nam tham dự chương trình Nghệ thuật SAMBHAV 2020 quốc tế tại Alpana (Ấn Độ). Song vì dịch bệnh nên chương trình tạm hoãn.

Bài 2: Có một ngôi làng trong phố Hà Nội giữ gìn nét đẹp âm nhạc dân tộc
Các em khuyết tật vận động nhóm múa hát Chầu văn tự tin phần trình diễn trên sân khấu

Khi được hỏi, làm sao các tiết học hát cuốn hút và người trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống thì liệu có cách riêng để tiếp cận họ? Bà Dung thẳng thắn: “Trước khi vào bài giảng làn điệu Xẩm, tôi giới thiệu sơ qua về lịch sử hình thành cũng như chặng đường phát triển của bộ môn và các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi, các nhà nghiên cứu làn điệu này, sau đó dạy lời bài hát, cách cầm phách, đồng thời cách diễn đạt ca từ làm sao cho đúng với nội dung, ý nghĩa của bài hát”.

Bản thân nghệ nhân Kim Dung đã được học và có thể trình diễn nhuần nhuyễn các làn điệu Xẩm như: Tàu điện, Huê tình, Ba bậc, Thập ân, Xẩm nhị tình lời cổ, Riềm huê, Trống quân lời cổ và lời mới, kỹ năng giữ gìn 2/3 phần thể loại hát Xẩm, chiếm tỉ lệ 67% trên tổng số 12 thể loại hát Xẩm. Cùng với đó, khôi phục được làn điệu Thập ân, Nhị tình, Trống quân lời cổ và lời mới. Đã truyền dạy cho hội viên và học sinh các làn điệu Xẩm chợ, Tàu điện, Thập ân, Huê tình, Trống quân lời cổ và lời mới.

Bà Kim Dung tâm niệm: “Tôi luôn khao khát với một tâm nguyện được mang niềm đam mê và những kinh nghiệm của mình truyền dạy cho các tầng lớp thông qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn hoá văn nghệ truyền thống tại cơ sở ngày càng phát triển. Đưa văn hóa truyền thống thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và lan tỏa được đam mê tới cộng đồng”.

Đánh giá cao việc làm ý nghĩa của nghệ nhân Kim Dung, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân (Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân) cho biết: “Là người làm nghệ thuật, bà Dung không chỉ chú ý đến chất lượng tập luyện, học hỏi để có nhiều tiết mục biểu diễn mang tính nghệ thuật cao mà luôn trao dồi đạo đức nghề nghiệp, sáng chữ tâm, chú trọng đến việc truyền dạy đào tạo miễn phí cho diễn viên không chuyên của nhiều CLB Văn nghệ Dân ca các quận/huyện bạn và các đơn vị trên địa bàn Thanh Xuân, góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

Thành tích nổi bật

Năm 2015 bà Phan Thị Kim Dung vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất ở loại hình hát Xẩm. Từng đạt giải Huy chương vàng thể loại hát xẩm Nhị tình lời cổ trong Liên hoàn nghệ thuật quần chúng đàn hát dân ca khu vực Bắc Trung Bộ và châu Thổ sông Hồng; Giải A1 hát Xẩm tiết mục “Cô hàng nước” năm 2013, Kỉ niệm chương do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng năm 2011; Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân tặng 2016; Năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen về việc “Xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Hiện, bà Kim Dung được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.

Còn nữa

Bài 1: Đánh thức tình yêu âm nhạc truyền thống từ sân khấu học đường

Sắc màu văn hóa truyền thống xuống phố

“Bắc nhịp tang bồng” kết nối giá trị văn hóa truyền thống

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.