Chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của tài xế xe ôm công nghệ

Tình trạng tài xế xe ôm công nghệ lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Hà Nội khiến người dân bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp chấn chỉnh những người tham gia giao thông này, bởi đã có những tai nạn xảy ra bắt nguồn từ thái độ chấp hành giao thông của họ.
Chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của tài xế xe ôm công nghệ

Tài xế xe công nghệ thường xuyên vừa đi vừa nghe điện thoại

Ám ảnh những tài xế xe công nghệ… "vụt qua" với tốc độ cao

Để di chuyển, bộ phận không nhỏ tài xế xe công nghệ vì muốn tiết kiệm thời gian mà cố tình vi phạm luật giao thông.

Trên nhiều diễn đàn, các ý kiến cho rằng: cả lúc đường đông, tài xế xe công nghệ cũng rú còi ầm ĩ, lạng lách đánh võng, gây “hoảng sợ” cho người tham gia giao thông cùng.

Bạn đọc Dương Ly viết: “Đang đi mà giật bắn mình, đường thì đông mà bác tài công nghệ cứ nhấn còi, xong đi tạt qua đầu, nói thật nhiều lúc mình rất sợ”.

Không khó gì để bắt gặp những tài xế xe công nghệ vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, hay đi ngược chiều, nhiều tài xế còn chở quá số người theo quy định hay nhận chở hàng hóa cồng kềnh.

Lí do mà một số tài xế xe công nghệ lí giải về vấn đề này như sau: do khách không đội mũ, bảo mũ đã nhiều người đội; do khách gấp cần đi nhanh; do đang trả khách trước thì hệ thống đã báo nối chuyến khách sau…

Vì vậy, ý kiến trên các diễn đàn giao thông, nhiều bạn đọc chia sẻ: trước tiên là “tự ý thức”, nhưng doanh nghiệp xe cũng cần quản lý nghiêm những tài xế cố tình vi phạm khi có phản hồi của khách hàng. Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kiên quyết lập biên bản xử phạt đối với những tài xế vi phạm.

Doanh nghiệp xe ôm công nghệ cần sự phối hợp với lực lượng chức năng để thu thập thông tin tài xế vi phạm để có những biện pháp mạnh như khóa tài khoản hoặc ngừng hợp tác đối với những tài xế này.

Không thể cảm thông được nữa

Theo một thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 500.000 người làm nghề xe ôm công nghệ chuyên chở khách, giao thức ăn, giao hàng như một công việc làm bán thời gian hoặc toàn thời gian. Trong đó, 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM tập trung số lượng xe ôm công nghệ đông nhất.

Thực tế là làm lái xe công nghệ là một nghề mưu sinh vất vả. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người đồng tình với việc lấy đó làm lí do để vi phạm luật giao thông.

Tài xế xe công nghệ thường xuyên vừa đi vừa nhìn điện thoại, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Phạm Văn Đan tài xế GrabBike đã có 10 năm làm xe ôm truyền thống, 2 năm bắt đầu chuyển sang xe công nghệ cho biết: Làm xe ôm truyền thống thì phải chạy len lỏi, nhanh, do khách đi xe ôm đa phần vội, làm lái xe công nghệ thì mọi thao tác đều phải thực hiện trên điện thoại nên có khi vừa chạy vừa nhìn điện thoại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng điện thoại di động khi lái xe có nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp 4 lần so với không sử dụng điện thoại di động. Còn theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.

Vì thế, yêu cầu chấn chỉnh ngay sự chấp hành an toàn giao thông của các tài xế công nghệ được đặt ra. Chính các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng cần có trách nhiệm tham gia vào việc này, chứ không thể chỉ trông chờ vào mỗi việc xử lý của các lực lượng chức năng.

Truy bắt tên cướp xe ôm, trinh sát “hốt” luôn đối tượng trốn nã Truy bắt tên cướp xe ôm, trinh sát “hốt” luôn đối tượng trốn nã

Ngày 27-2, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết vừa bàn giao đối tượng truy nã Đỗ Đức Việt ...

Bị CSGT lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn, tài xế xin tiền đi xe ôm về nhà Bị CSGT lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn, tài xế xin tiền đi xe ôm về nhà

Khi bị lập biên bản tạm giữ phương tiện, người đàn ông đề nghị với Tổ công tác rằng, nếu anh ký vào biên bản ...

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.