Trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Khoản 1 Điều 520 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ.

Hỏi:

Do có nhu cầu tìm người giúp việc, chị A muốn thuê chị B thực hiện việc nấu ăn và dọn dẹp nhà trong thời gian 1 năm. Sau khi chị B đồng ý với thỏa thuận này và làm được khoản 3 tháng, chị A thấy chị B thường xuyên lau dọn nhà cửa còn để lại vết bẩn, nấu ăn không đảm bảo vệ sinh nên có ý muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên. Đối với trường hợp này, hòa giải viên cần căn cứ theo quy định nào của pháp luật để phân tích cho các bên trong quá trình hòa giải?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chị A thuê chị B thực hiện công việc nấu ăn và dọn dẹp nhà trong thời gian 1 năm được coi là hợp đồng dịch vụ, trong đó, chị A là người sử dụng dịch vụ còn chị B là người cung cấp dịch vụ.

Khoản 1 Điều 520 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ trong những trường hợp sau: Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Căn cứ theo quy định này, nếu chị A tiếp tục để chị B thực hiện công việc nội trợ gia đình thì không có lợi cho chị A, do chị B không đảm bảo chất lượng công việc (lau dọn nhà cửa còn vết bẩn, nấu ăn không đảm bảo vệ sinh) nên chị A có đủ điều kiện để đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, để đơn phương chấm dứt hợp đồng, chị A phải thông báo cho chị B biết trước một thời gian hợp lý, đồng thời phải trả tiền công cho chị B trong khoảng thời gian chị B đã thực hiện công việc nội trợ theo yêu cầu và bồi thường thiệt hại cho chị B nếu có thiệt hại xảy ra xuất phát từ việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của chị.

Kỳ 1: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc? Kỳ 1: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì không hoàn thành công việc?

Bản Sa

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.