Đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa bão

Để chủ động bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, giảm thiệt hại từ nguy cơ gãy, đổ trong mùa mưa bão, thời gian qua, Hà Nội liên tục triển khai công tác kiểm tra, xử lý cắt tỉa, hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn.
Công nhân tiến hành cắt tỉa cành, hạ độ cao cây xanh trên địa bàn Hà Nội
Công nhân tiến hành cắt tỉa cành, hạ độ cao cây xanh trên địa bàn Hà Nội

Ưu tiên cắt tỉa cây nghiêng, sâu mục…

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên địa bàn TP. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cành khô, sâu mục… Đây được coi là những hoạt động nhằm tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão.

Thế nhưng, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhưng cứ trải qua mỗi cơn bão, mưa dông… tình trạng cây xanh bị đổ, gãy vẫn xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của người dân. Đơn cử, trong cơn mưa dông nhiệt diễn ra vào chiều 30/7, đã khiến một cây cổ thụ tại đường Kim Mã, quận Ba Đình, gãy đổ, đè lên 2 ô tô đang di chuyển trên đường. Nguyên nhân ban đầu xác định do mưa lớn gây tác động đến bộ rễ khiến cây bất ngờ bật gốc. Đáng chú ý, vào khoảng 18h cùng ngày, trước cửa số nhà 41 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, một cây muồng cổ thụ bất ngờ bị bật gốc đổ ngang đường đè trúng một thanh niên đang tham gia giao thông. Rất may, nạn nhân không bị thương nặng.

Bác Phạm Thị Lan, quận Cầu Giấy cho biết, mặc dù trước mùa mưa bão, lực lượng chức năng đã tổ chức cắt tỉa, hạ độ cao của cây nhằm hạn chế những sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa, xây dựng cầu đường, cải tạo vỉa hè… không ít cây xanh bị chặt đứt hệ thống rễ, không ăn sâu vào lòng đất nên trước ảnh hưởng của mưa bão, cây có thể bị đổ, gãy bất cứ lúc nào.

Bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh

Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Lê Văn Du, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa. Những năm gần đây, thành phố đầu tư nhiều trang thiết bị, như: Xe nâng, xe cẩu, máy nghiền cành củi, xe vận chuyển, cưa máy... cũng như chủ động cắt, sửa cây quanh năm nên hiện tượng cây đổ, cành gãy, nhất là trong mùa mưa bão đã giảm rất nhiều.

Mặc dù hệ thống cây xanh được kiểm tra, rà soát để cắt, sửa hằng năm, tuy nhiên, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, nhiều trường hợp rất khó phát hiện bằng mắt thường, như cây bị sâu mục bên trong thân; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được...

Trường hợp cây đa búp đỏ bị gãy đổ tại dải phân cách trên đường Võ Chí Công rạng sáng ngày 13-6 là trường hợp như vậy (nguyên nhân do sâu mục bên trong thân cây). Ngoài ra, gió lớn do hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi nhiều bê tông, nhiều nhà cao tầng ở khu vực đô thị cũng là yếu tố đe dọa sự an toàn của hệ thống cây xanh.

Về quy trình khắc phục sự cố liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão, theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi xử lý các tình huống khẩn cấp do cây gãy, đổ để đảm bảo an toàn giao thông trước mắt tập kết gỗ củi lên vỉa hè rộng. Giải tỏa nhanh, gọn, tránh tình trạng tồn đọng cành, lá gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đặc biệt, các đơn vị luôn huy động 100% quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ. Ưu tiên xử lý các cây đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân. Xử lý cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính, thu dọn cây đổ, cắt cây, cành, đánh gốc, san lấp, đảm bảo vệ sinh... đảm bảo giao thông nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 15 ngày.

Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, cũng như góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, theo các chuyên gia đô thị, Hà Nội cần có phương án chăm sóc đặc biệt các cây di sản, “có tuổi” (cây có đường kính trên 50cm); nên xem xét thu hồi, thay thế cây già cỗi nguy hiểm, cây có tuổi thọ ngắn (phượng, muồng - tuổi thọ trung bình 40-50 năm). Đồng thời, xem xét đưa công nghệ mới (máy siêu âm, khoan rút lõi…) để phát hiện cây nguy hiểm khó phát hiện bằng cảm quan, từ đó chủ động chặt hạ nhằm bảo đảm an toàn mùa mưa bão.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.
Hà Nội tăng cường quản lý, chống xâm hại hệ thống cây xanh đô thị
Hà Nội trồng mới được gần 82.000 cây xanh đô thị, cây bóng mát
Hà Nội: Xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đô thị
Xử phạt đối với hành vi ngắt hoa, bẻ cành cây xanh đô thị
Hải Phòng: Cảnh báo về việc cây xanh đô thị có khả năng bị gãy đổ trong mùa mưa bão

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.