Ám ảnh “ác mẫu” tại các nhóm trông trẻ tự phát

Vì phải đi làm xa nên chị Lê Thị Lan H (28 tuổi, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) phải gửi con tại một nhóm trẻ gia đình. Trong quá trình trông, do cháu bé bị sốt và quấy khóc nên cặp vợ chồng trông bé đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người... dùng băng dính bịt miệng bé.
Hình ảnh bé Q.Tr đang được điều trị tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương
Hình ảnh bé Q.Tr đang được điều trị tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non

CA phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đang điều tra sự việc một cháu bé 1 tuổi bị bạo hành. Trước đó, CA phường Láng Thượng tiếp nhận tin báo từ BV Nhi Trung ương về việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.Tr (1 tuổi, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Do đi làm công nhân ở Bắc Giang nên từ ngày ngày 21/7/2022, chị H thuê Đoàn Diệu Linh (26 tuổi, ở phường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trông cháu Tr với giá 3 triệu đồng/tháng. Linh ở tạm trú tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa. Trong quá trình trông cháu Tr, do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (28 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) - chồng của Linh dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người... dùng băng dính bịt miệng cháu Tr. Đến ngày 26/7, thấy cháu Tr mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa cháu đến BV Nhi Trung ương cấp cứu. Vậy là chỉ ít ngày sau khi được mẹ gửi, bé Tr đã bị người trông trẻ đánh đập, ngược đãi.

Theo đại diện BV, ngày 26/7, BV đã tiếp nhận bệnh nhi Tr, nhập viện trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu mất nước, suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, Sp02 84%, có nhiều vết lằn, vết bầm tím tụ máu trên cơ thể. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và nghi ngờ bị bạo hành. Chỉ tính từ đầu tháng 7/2022 đến nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ bạo hành trẻ em. Mới đây nhất, thông tin bé gái 7 tuổi ở Bình Phước nghi bị bạo hành với nhiều vết bầm tím khắp cơ thể đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Dù xuất phát từ nhu cầu của hai bên phụ huynh và người trông trẻ nhưng việc tự tổ chức những nhóm chăm sóc trẻ tự phát sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Về mặt pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, VP Luật sư Hạnh Nguyễn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Điều lệ trường mầm non, như: giáo viên đạt trình độ nhất định; diện tích phòng tối thiểu 1,5 m2 cho một trẻ; có bếp riêng, an toàn, đảm bảo phòng chống cháy nổ, thực hiện chế độ đăng kiểm thực phẩm,… và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo quy định. Điểm giữ trẻ tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Những nhóm trông trẻ tự phát thì còn rất nhiều nỗi lo như: không đủ điều kiện cơ sở vật chất đề phòng tai nạn cho trẻ, không có kĩ năng xử lý các tình huống phát sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ…

Việc tự ý nhận trông trẻ mà không đăng ký thành lập hoặc không có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng, căn cứ vào Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Một số chuyên gia giáo dục đã đánh giá, việc trẻ bị bạo hành ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ, các nhóm trẻ tự phát không phải là hiếm có, mà chỉ khác nhau về mức độ. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ trẻ em TP HCM nhận định: Những vụ việc bạo hành trẻ được phát hiện và xử lý mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng do không có bằng chứng.

Quy định vẫn còn nhiều kẽ hở

Phải thừa nhận một thực tế rằng, trong điều kiện trẻ bé, nhiều trường mầm non công lập chưa nhận, trường tư thục quy mô thì học phí cao. Vì thế, các nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non quy mô nhỏ với học phí thấp là sự lựa chọn của khá nhiều phụ huynh có thu nhập thấp. Các cơ sở mầm non nhỏ lẻ, nhóm trẻ gia đình này đều có điểm chung giống nhau là ở gần các khu dân cư, chủ cơ sở thuê nhà của người dân để làm cơ sở mầm non, trông giữ khoảng vài trẻ đến 20-30 trẻ, với mức phí gửi trẻ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, nhận trông trẻ cả ngoài giờ hành chính, cuối tuần. Các cơ sở này hầu như là không có camera để phụ huynh giám sát...

Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, Bộ GD&ĐT quy định cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện này, chủ nhóm trẻ dễ dàng đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên chất lượng, mức độ an toàn của trẻ vẫn là điều đáng lo ngại.

Để giải quyết vấn đề này, theo Luật sư Hạnh, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh trong việc tìm người trông trẻ. Phụ huynh cũng nên cân nhắc kỹ khi gửi con ở những nhóm trẻ tự phát, cần có những phương án hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ với trẻ em, bằng cách thoả thuận với người giữ trẻ chú ý các khâu an toàn như gas, điện, nước, vệ sinh thực phẩm,...

Về giải pháp lâu dài, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát: bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở, đề ra ra các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với những cơ sở tham gia loại hình dịch vụ này. Đối với những cơ sở trông giữ trẻ em trái phép, không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Công an điều tra vụ cháu bé 1 tuổi bị bạo hành đến nhập viện
Hành vi bạo hành, dán băng dính vào miệng cháu bé 1 tuổi bị xử lý như thế nào?

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.