Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở để quán triệt, bảo đảm nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không để vắc-xin quá hạn.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, không để vaccine quá hạn
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không để vắc-xin quá hạn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 4707/VPCP-KGVX ngày 27/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin báo chí liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành.

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 mới đang tăng trở lại; một số biến thể mới của chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam; không ít địa phương đang còn nhiều vắc-xin đã được phân bổ nhưng tiêm chưa hết. Để khẩn trương khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chỉ đạo quyết liệt hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở để quán triệt, bảo đảm nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không để vắc-xin quá hạn; Rà soát, thống kê nhu cầu vắc-xin của các địa phương từ nay đến hết Quý III năm 2022 để kịp thời phân bổ; Chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan, làm tốt công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19; chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vaccine quá hạn.

Thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 22/7/2022 nêu rõ, theo Viện Pasteur TP HCM, tại các tỉnh phía Nam hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1 (biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5). Vài tuần gần đây, các tỉnh phía Nam lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả nước còn tồn 21,5 triệu liều vắc-xin (tuyến tỉnh còn 5,6 triệu liều, khu vực còn 5 triệu liều, tuyến quốc gia còn 10,9 triệu liều), trong đó chủ yếu là vắc-xin Pfizer và Moderna, có 2,35 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10/2023. Hiện có 16/63 tỉnh chưa gửi đăng ký nhu cầu vaccine của 6 tháng cuối năm theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi chưa đạt tiến độ, đặc biệt là ở nhóm trẻ 12-17 tuổi. Tỉ lệ tiêm mũi 1 và 2 ở nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt yêu cầu.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: Covid-19 hiện vẫn đang là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu; việc tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn có tác dụng đối với hai biến chủng BA.4 và BA.5, đặc biệt có cả tác dụng phòng cúm A và cúm thường.

Nhóm trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 mắc hội chứng MIS-C thấp hơn 15 lần
Nhiều người mất thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi đông người
Bộ Y tế đề nghị đẩy nhanh tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3, 4
Việt Nam xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 6 tháng đến 5 tuổi

T.Quang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.