Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

Theo dõi thi hành pháp luật là hoạt động quan trọng, thực hiện vai trò của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả việc sử dụng pháp luật như công cụ quan trọng bậc nhất để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình

Xác định 3 lĩnh vực trọng tâm

Thực hiện Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 21/1/2022 của UBND TP Hà Nội về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn TP năm 2022, trong đó xác định 03 lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm: Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch Covid-19; về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã triển khai thành lập đoàn điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP và tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại Sở Xây dựng và UBND các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XV, UBND TP đã xây dựng báo cáo và tiếp Đoàn giám sát về công tác chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND.

Tình hình thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022 theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ: UBND TP tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018-2022 trên địa bàn Hà Nội;

Xây dựng dự thảo và tổ chức lấy ý kiến của các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã về Quyết định của UBND TP ban hành Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP; Tổ chức góp ý, tham gia cuộc họp tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp.

Tích cực phối hợp hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) được TP chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Ngày 01/3/2022, UBND TP đã ban hành Báo cáo số 65/BC UBND tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cơ sở tích hợp 2 dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ bản đảm bảo yêu cầu theo đề cương hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Báo cáo đã đánh giá toàn diện tình hình tổ chức thi hành Luật Thủ đô, những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn và những tồn tại, hạn chế về thể chế, pháp luật trong tổ chức thi hành Luật. Báo cáo cũng đã đề xuất 16 nội dung trên các lĩnh vực để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với nhiều giải pháp, chính sách có tính chất đặc thù, đột phá để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đặt nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để thể chế hóa, tổ chức thi hành Nghị quyết trong thời gian tới.

Để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp cuối năm 2022, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 28/3/2022 về nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và theo dõi thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022; Tổ soạn thảo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-TCTXDLTĐ ngày 29/3/2022 về tổ chức đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở các kế hoạch, UBND TP đã chủ động chỉ đạo, tổ chức xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi), đề cương dự thảo Luật Thủ đô. Đến nay, đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi), đề cương dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp.

Hiện nay, TP Hà Nội đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022 xem xét, thông qua, bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh trong những năm tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nâng cao nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật
Hà Nội: Tích cực triển khai theo dõi, thi hành pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.