Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá, du lịch, tâm linh

Từ ý tưởng mong thành hiện thực

Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh đang nhận được nhiều kỳ vọng của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia quan tâm là làm như thế nào? Triển khai ra sao để “sạch hóa” dòng sông nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nó.
Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành không gia văn hoá - tâm linh. (Ảnh: JVE Group)
Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành không gia văn hoá - tâm linh. (Ảnh: JVE Group)

Biến dòng sông ô nhiễm thành công viên?

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp UBND TP Hà Nội, Cty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE Group) và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học-công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch, nhằm từng bước cải tạo môi trường nước ô nhiễm tại các dòng sông ở Hà Nội.

Theo JVE, để có thể khiến sông Tô Lịch trở lại như xưa, cần phải giải quyết các vấn đề về thu gom nước thải và cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi; xử lý bùn đáy, tầng nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão… Tại đề xuất lần này, quy mô dự án sẽ bao gồm hai hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh” (phía trên sông Tô Lịch).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE Group cho biết, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư sống ở hai bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê-tông hóa, cứng hóa đáy sông… Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị… vốn gây nhiều bức xúc trong những năm qua. Phương án tài chính là sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, một phần vốn đối ứng trong nước và một số nguồn tài chính khác.

Cần nghiên cứu kỹ

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, dự án Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Nghiêm cũng đánh giá, ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các hệ thống sông hồ khác trên địa bàn để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập một cách triệt để. Về các thiết chế văn hóa trong công viên, ông Nghiêm cho rằng cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ.

Đánh giá về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, Công viên văn hóa, tâm linh, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu tâm linh Trịnh Yên - Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Văn hóa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, đây là một việc làm rất tốt, cần nhìn nhận bằng con mắt thời đại, quá khứ, hiện tại và tương lai, phục vụ xã hội cấp tiến, hiện đại. Nếu công trình này được xây dựng thành công, nó sẽ mang lại quan niệm khác, quan điểm khác và tiêu chí khác…

Không riêng các chuyên gia, nhà khoa học, nhiều người dân Thủ đô cũng rất quan tâm đến đề xuất này. Anh Đặng Văn Tú (ở Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) chia sẻ, đây là ý tưởng táo bạo, đột phá. Anh rất đồng tình và kỳ vọng, nếu đề xuất này được triển khai bài bản sẽ là cơ hội để hồi sinh dòng sông lịch sử. Tuy nhiên, điều anh Ngân băn khoăn, đó là kinh phí để triển khai dự án. Đặc biệt, đây là dự án phức hợp, đa mục tiêu, vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị - ngập úng, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường và xây dựng một không gian văn hóa chưa từng có trên bề mặt một dòng sông.

Mục tiêu đặt ra rất lớn đồng nghĩa với nguồn kinh phí khổng lồ. Nếu giải quyết được bài toán kinh tế, phương án thiết kế - thi công, tôi mong muốn dự án này sẽ được triển khai đúng tiến độ, đừng bao giờ là một dự án “lầy lội” về thời gian thi công. Bởi, nếu nó là một công trường chậm tiến độ kéo dài từ năm này sang năm khác sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân thuộc các quận/huyện mà dòng sông đi qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP luôn quan tâm, tìm kiếm những biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo nguồn nước ô nhiễm tại các sông, hồ Hà Nội. Những nội dung của đề xuất này khá mới và cần được các Sở, ngành của TP nghiên cứu, tiếp cận có định hướng, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học. Hơn nữa, đây là dự án lớn, cần thời gian dài chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nguồn lực để thực hiện là rất lớn, do đó cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét tính khả thi của đề xuất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn tuyến sông Tô Lịch có hơn 280 cửa xả nước thải, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 nghìn m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mà xả trực tiếp xuống dòng sông và đây được coi là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, vẫn có một số người dân còn vứt các loại rác xuống dòng sông như túi nylon, xác động vật, chai nhựa, thùng xốp… gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy và làm tăng mức độ ô nhiễm.
Đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch
Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường ven sông Tô Lịch
Hà Nội: Đề xuất tạm dừng khai thác tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.