Phúc thẩm sai phạm xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội

Xem xét kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Ngày 11/7, HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu", xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội.
Xem xét kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên toà sáng nay.

Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong 3 ngày (từ 11/7 đến hết ngày 13/7/2022). HĐXX phúc thẩm trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Hải Thanh làm chủ tọa.

Theo thông báo của thư ký phiên tòa, tại phiên xử, vắng mặt một số người làm chứng và một số người liên quan trong vụ án. Bị án Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Trước sự vắng mặt của một số người, đại diện VKSND cho rằng, tất cả những người này đều đã có lời khai cụ thể, sự vắng mặt này không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.

Trình bày kháng cáo tại toà, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm; các bị cáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội, cũng có đơn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc có hành vi can thiệp để Cty Nhật Cường trúng hai gói thầu số hoá.

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Chung nhận án phạt 3 năm tù của HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Theo bản án sơ thẩm, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuy vậy, quá trình thực hiện các gói thầu, từ đề xuất của Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Cty Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu trái quy định. Quá trình sửa đổi gói thầu, bị cáo Nguyễn Đức Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố, trong khi đến nay thành phố Hà Nội chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Bản án sơ thẩm khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Chung phạm tội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu khách quan, minh bạch, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của cơ quan thuộc UBND TP Hà Nội. Liên quan đến vụ án, Bùi Quang Huy được xác định có vai trò khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính. Tuy nhiên, do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Đáng chú ý, trước phiên tòa phúc thẩm, thông qua các luật sư bào chữa, ông Chung đã nộp bổ sung nhiều tài liệu liên quan. Trong đó có hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, hồ sơ Bệnh án của Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing, hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện K, Biên bản khám và hội chuẩn bệnh nhân ngày 18/10/2020 tại Bệnh viện 19/8 Bộ Công an. Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung cho biết, các hồ sơ bệnh án nêu trên đều có nội dung chẩn đoán ông Chung bị ung thư trực tràng, theo dõi di căn phổi.

Theo đó, năm 2015, ông Chung được chẩn đoán ung thư trực tràng ở giai đoạn T3N0M0, được điều trị hóa xạ tiền phẫu hóa chất và xạ trị tại Bệnh viện K. Sau hóa xạ tiền phẫu, tháng 4/2015, ông mổ cắt u và đoạn trực tràng. Sau đó, ông được khám và theo dõi định kỳ tại bệnh viện Vinmec Hà Nội.

Ngoài ra, ông Chung cũng nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương trong suốt quá trình công tác của mình từ công an đến UBND TP Hà Nội; nộp nhiều bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động, phong trào của hội chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam…

Bên cạnh đó, ông còn nộp thêm các đơn xác nhận thiện nguyện và đơn của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, xin giảm nhẹ cho ông.

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc Cty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỷ đồng thu lợi bất chính cho Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Bị cáo Nguyễn Văn Tứ và 5 bị cáo (trừ ông Chung) phải liên đới bồi thường gần 20 tỷ đồng.

Vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung cũng có bản giải trình hơn 100 trang kêu oan trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch sông hồ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chung đã nộp 25 tỷ đồng khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án nên được tòa quyết định giảm án từ 8 năm tù còn 5 năm tù.
Xem xét kêu oan của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Tình tiết bất ngờ trong phiên xử vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C

Nhật Nam - Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.