Hà Nội: Chú trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi

Hà Nội rất coi trọng công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đồng bào.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn công tác dân tộc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn công tác dân tộc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

TP Hà Nội có khoảng 9 triệu người, trong đó có khoảng 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số. Trong số đó, đồng bào DTTS của TP chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn TP.

Tuy nhiên, vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô không lớn, dù cán bộ làm công tác dân tộc từ TP đến cơ sở trách nhiệm, nhiệt tình song còn có nhiều khó khăn, hạn chế đặc thù như cơ sở hạ tầng dù đã được cải thiện song vẫn còn những bất cập trước nhu cầu phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vẫn còn khó khăn nhất định. Theo đó là những luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động... Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào có những khó khăn nhất định.

Những năm qua, TP Hà Nội rất coi trọng công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi. Trong giai đoạn 2017-2021, UBND TP đã ban hành Quyết định số 8137/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 12/01/2019 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025”.

Theo đó, từ năm 2018-2021, cơ quan làm công tác dân tộc của TP Hà Nội (Ban Dân tộc TP Hà Nội) đã phối hợp với UBND các huyện có các xã dân tộc, miền núi tổ chức hơn 80 lớp tập huấn công tác dân tộc và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hàng chục nghìn lượt đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ chủ chốt của các thôn, xã, người có uy tín, đại biểu tiêu biểu của các thôn và cụm dân cư. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chỉ đạo của TP và được lựa chọn trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn tại các địa phương, tập trung vào các vấn đề mà địa phương quan tâm.

Để đồng bào dễ hiểu, dễ vận dụng làm theo, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc Thủ đô đã coi trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chỉ tính riêng năm 2021, đã biên soạn và xuất bản 177.300 tờ gấp tuyên truyền các bộ luật, luật: Hình sự; Hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình; Giao thông đường bộ; An toàn thực phẩm; Bảo vệ môi trường, phát cho các hộ gia đình ở 14 xã dân tộc, miền núi.

Tính riêng trong tháng 5 và 6/2022, TP Hà Nội đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã dân tộc, miền núi thuộc 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Dự hội nghị, có gần 3.000 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, các đoàn thể, cán bộ phụ trách công tác dân tộc; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Phó thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Nông dân, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ và đại biểu tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 14 xã vùng dân tộc, miền núi.

Tại các hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu, phổ biến một số điều của Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và Luật Bảo vệ môi trường…

Những ý kiến vướng mắc của các đại biểu tại Hội nghị đã được báo cáo viên hướng dẫn và giải đáp thỏa đáng, được nhiều đại biểu quan tâm và đánh giá cao. Thông qua Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ và người dân ở cơ sở trong việc chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đồng bào, góp phần ổn định tư tưởng, làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.
Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay hỗ trợ nhà ở không quá 40 triệu đồng/hộ
Hà Nội: Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.