Phát triển giao thông xanh:

Giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm

Giao thông xanh là một xu hướng, thích ứng với xu thế phát triển môi trường sống, được định hướng bởi giao thông công cộng, kết hợp giữa phát triển môi trường sinh thái và phát triển đô thị.
Buýt điện đã và đang góp phần phát triển giao thông xanh
Buýt điện đã và đang góp phần phát triển giao thông xanh

Nguồn lợi ích to lớn

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt với sự tập trung quy mô dân số đông đảo. Đáng nói, việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Để hạn chế ô nhiễm, Hà Nội đang tích cực trú trọng hướng tới giao thông xanh bằng việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường. Đặc biệt, vấn đề này đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 và Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện được xem là giải pháp mới mang tính đột phá, góp phần từng bước tiến gần mục tiêu đến năm 2030 đạt 20% số lượng đoàn xe buýt trên địa bàn Hà Nội sử dụng nhiên liệu CNG, động cơ điện.

Tại cuộc tọa đàm “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 28/6, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Cty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, buýt điện đã và đang góp phần làm thay đổi hình ảnh xe buýt trong mắt người dân đẹp hơn, thân thiện hơn..., thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Đặc biệt, bằng việc đưa xe buýt điện không phát thải vào vận hành sẽ góp phần làm giảm số lượng CO2 thải ra môi trường lên tới 22.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có kế hoạch phát triển phương tiện công cộng đến năm 2030. Theo kế hoạch, thì đã có sự phân chia lượng hành khách nhất định như xe buýt đảm nhận 25%, tàu điện đảm nhận 3 - 4%... Đáng chú ý, Hà Nội hiện đã có hơn 2.000 xe buýt, trong đó số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt trên 10%.

Cùng với xe xe buýt điện, Hà Nội cũng đang nỗ lực phát triển “giao thông xanh” từ giải pháp xe đạp công cộng. Xe đạp đô thị sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.

Cần giải pháp bền vững

Tuy nhiên, ở góc độ tổng thể có thể thấy với việc phát triển tàu điện, xe buýt điện hay ấp ủ nhân rộng phát triển mô hình xe đạp đô thị thì Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, với tàu điện hay xe đạp đô thị đó là thách thức đến từ thói quen đi lại của người dân; với xe buýt điện đó là giá thành một chiếc xe buýt điện thường cao hơn gấp 1,5 - 2 lần xe buýt thường; Ngoài ra, dù nhận thức rõ việc chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu song do Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên hạ tầng cho xe điện cũng mới chỉ dừng ở những bước khởi đầu; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có sự thống nhất.

Chỉ ra những điểm liên quan, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho rằng, giá điện tại Việt Nam đang phân theo ngành về thương mại, sản xuất, sinh hoạt gia đình. Nếu sử dụng cách tính của sinh hoạt gia đình áp dụng với xe điện sẽ khiến người dân phải chịu áp mức giá cao nhất vì lượng tiêu thụ điện lớn, do đó, không thể áp dụng cách tính giá này cho người sử dụng xe điện. Nếu áp dụng giá điện cho thương mại thì đây cũng là mức giá cao, không áp dụng được.

Rõ ràng, định hướng phát triển phương tiện “xanh” là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ vấp phải những thách thức nhất định, đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện. Điều này cũng đòi hỏi TP cần có sự quyết tâm, có cơ chế khuyến khích phát triển công nghệ “xanh” trong sản xuất xe ô tô, xe gắn máy, từng bước hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải.

Rõ ràng, phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Để phát triển giao thông theo đúng định hướng, TP cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với dịch vụ vận tải công cộng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế những trở ngại cho phương tiện công cộng khi lưu thông trên đường.

PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, phát triển “giao thông xanh” tại các đô thị lớn là một hành trình dài, mang tính chiến lược nên cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền. Đặc biệt, cần từng bước loại bỏ các phương tiện giao thông cũ, nát và tập trung đầu tư các loại phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt điện chạy bằng khí nén tự nhiên.
Hà Nội: Đề xuất phát triển xe buýt điện giảm ô nhiễm môi trường
Thí điểm triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện
Chính thức chạy thử xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam
Hà Nội có thêm tuyến xe buýt điện thứ 8 để phục vụ người dân

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.