Thị trường bất động sản cuối năm 2022:

Nguồn vốn vào thị trường sẽ tăng trở lại

Thời gian gần đây, cùng với loạt động thái liên quan đến việc “hãm bớt” nguồn vốn vào bất động sản (BĐS) từ các kênh huy động lớn như tín dụng, trái phiếu DN, cũng như hoạt động tăng cường chấn chỉnh công tác thuế với các giao dịch BĐS của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan, đã phần nào khiến nhịp kinh doanh BĐS của nhiều DN chậm lại so với giai đoạn hồi đầu năm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư.
Phân khúc BĐS “dễ thở” nhất là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ, sản phẩm nhà phố trong trung tâm các TP lớn vẫn hấp dẫn
Phân khúc BĐS “dễ thở” nhất là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ, sản phẩm nhà phố trong trung tâm các TP lớn vẫn hấp dẫn

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, tình trạng chung của thị trường hiện nay là nguồn cung sản phẩm khan hiếm, nhất là phân khúc nhà ở bình dân. Trong khi nhu cầu lại rất lớn, khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến việc giá BĐS bị đẩy lên cao. Đây là câu chuyện ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP HCM, nơi không có dự án nhà ở bình dân mới nào thời gian gần đây. Tại thị trường Hà Nội, tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là phân khúc bình dân không có nguồn cung mới.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, số căn hộ chào bán tại thị trường Hà Nội trong quý 1/2022 chỉ đạt 3.525 căn (giảm 34% so với cùng kỳ). Phân khúc trung cấp tiếp tục chiếm ưu thế với 66% trong tổng nguồn cung, theo sau là phân khúc cao cấp (29%) trong khi phân khúc bình dân không có nguồn cung mới trong quý này. Nửa cuối năm, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn, đặc biệt là đất nền vùng ven TP lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, trong khi lượng tin đăng mua bán nhà đất toàn trang có xu hướng tăng 22%, đặc biệt đất nền dự án tăng 38%, nhu cầu tìm kiếm nhà đất toàn trang lại giảm lần lượt 14% và 11% trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Đất nền ghi nhận mức giảm nhu cầu mua mạnh nhất vào khoảng 18% và 12% trong 2 tháng qua. Những con số này cho thấy, thị trường đang trong giai đoạn giao dịch không còn dễ dàng như trước.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DN BĐS thời điểm hiện tại là nguồn vốn. Dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS từ đầu năm 2022 tới nay rất hạn chế, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu DN đều bị kiểm soát gắt gao. Không chỉ hai kênh dẫn vốn chính này, mà cả kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn.

Phân tích thị trường 6 tháng cuối năm, bà Võ Thị Khánh Trang - Phó GĐ Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, hiện nay, giá căn hộ tại TP HCM cũng đang ở mức cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Do đó, nhà ở tại các tỉnh lân cận sẽ là điểm đến cho người dân TP HCM hay người dân nhập cư đang có nhu cầu mua nhà ở. Liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào BĐS, bà Trang cho rằng, đây là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Việc Chính phủ kiểm soát thành công dịch Covid-19 và mở cửa cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ là động lực lớn cho dòng FDI vào BĐS. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, nguồn vốn vào thị trường sẽ được cải thiện tăng trở lại.

Về xu hướng mua cuối năm, chuyên gia cho rằng, phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng sẽ là đất nền cạnh các khu công nghiệp, nhà phố lân cận trung tâm và các dự án căn hộ. Thị trường đang trong giai đoạn thanh lọc nên phương án đầu tư an toàn sẽ lên ngôi, nghĩa là các nhà đầu tư sẽ để ý đến các sản phẩm pháp lý rõ ràng, thanh khoản tốt và có thể sử dụng ngay để ở hoặc khai thác kinh doanh.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang dự báo, trong quý 3/2022, thị trường sẽ bình lặng, giá không tăng, giao dịch chậm lại. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm lại tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường thì khả năng thanh khoản sản phẩm BĐS vẫn có thể duy trì ở mức ổn định. Nếu các chủ đầu tư vẫn loay hoay với những dự án hiện hữu, tiếp tục đầu tư những BĐS xa trung tâm và sang thì khả năng thanh khoản thị trường sẽ không mấy suôn sẻ trong nửa cuối năm 2022.

Ông Sử Ngọc Khương - GĐ cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, có ba vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn cao và tính thanh khoản chậm. Vì thế, dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2022, phân khúc BĐS “dễ thở” nhất là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ, sản phẩm nhà phố trong trung tâm các TP lớn vẫn hấp dẫn, đất nền của các tỉnh, thành gần Hà Nội, TP HCM có mức giá hợp lý sẽ không lo bị ế.

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục duy trì như giai đoạn nửa đầu 2022. Việc siết chặt nguồn tín dụng vào BĐS trong thời gian qua dự báo sẽ giúp thanh lọc thị trường mạnh mẽ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Hoạt động cho thuê văn phòng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022?
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt
Nhu cầu bất động sản xanh tăng vọt
Quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.