Uống nước ngọt thường xuyên khiến trẻ hung hăng hơn

Trong một nghiên cứu dọc theo dõi mối liên quan giữa tiêu thụ nước ngọt và sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, năm 2020 cho thấy: Uống nước ngọt thường xuyên hơn có liên quan đến hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13.
Uống nước ngọt thường xuyên khiến trẻ hung hăng hơn
Sử dụng nhiều đồ uống có đường khiến trẻ có nguy cơ sâu răng

ThS-BS. Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng chia sẻ, các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nước ngọt và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, nhưng hướng của những tác động này vẫn chưa được biết rõ. Trong một nghiên cứu dọc theo dõi mối liên quan giữa Tiêu thụ nước ngọt và sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, năm 2020 cho thấy: Các cuộc phỏng vấn được thực hiện với 5.147 trẻ em và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi. Uống nước ngọt thường xuyên hơn có liên quan đến hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13; Mức tiêu thụ nước ngọt ở lứa tuổi 11 và 13 dự đoán hành vi hung hăng hơn ở thời điểm tiếp theo.

Hành vi hung hăng ở tuổi 13 cũng dự đoán mức tiêu thụ nước ngọt nhiều hơn ở tuổi 16. Uống nước ngọt ở tuổi 13 dự đoán ít các triệu chứng trầm cảm hơn, nhưng các triệu chứng trầm cảm không dự đoán việc uống nước ngọt.

Trong mẫu 2.929 trẻ em có 52% là trẻ em trai, 51% là người Mỹ gốc Phi, 43% tiêu thụ ít nhất một phần soda mỗi ngày và 4% tiêu thụ 4 phần trở lên mỗi ngày. Trong các phân tích được điều chỉnh cho các yếu tố nhân khẩu học xã hội, tiêu thụ một, hai, ba hoặc bốn hoặc nhiều hơn khẩu phần có liên quan đến điểm số hành vi hung hăng cao hơn so với việc không tiêu thụ soda.

Ngoài ra, đồ uống có đường còn gây nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ như tình trạng sâu răng, hội chứng chuyển hoá. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí y học Việt Nam năm 2021 cho thấy, tỷ lệ trẻ bị sâu răng vĩnh viễn tăng lên theo tuổi, cao nhất là lứa tuổi 12-14 tuổi. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng cao ở trẻ là bởi các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thói quen ăn nhiều thức ăn có chứa đường như sữa, bánh kẹo, nước ngọt... và các biện pháp vệ sinh răng miệng cũng như dự phòng sâu răng chưa hợp lý, nồng độ fluor trong nguồn nước sinh hoạt không đủ.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chững minh được mối quan hệ tuyến tính giữa việc sử dụng đường và sâu răng. Lượng đường tiêu thụ chiếm 10% năng lượng ăn vào gây ra gánh nặng chi phí cho chăm sóc răng miệng điều trị sâu răng. Đường đề cập trong các nghiên cứu là đường tự do theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Lượng đường tự do (bao gồm các loại đường đôi và đường đơn) có trong tất cả các loại đồ uống có đường và đường tự nhiên có trong mật ong, si-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc; trong ác loại nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột; nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và sữa có pha chế hương liệu.

Đồ uống có đường được coi là nguồn tiêu thụ chủ yếu của đường tự do. Một trong những nguồn cung cấp đường tự do lớn nhất là đồ uống có đường-đây là nguồn đóng góp đường tự do lớn nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Vương quốc Anh và đóng góp lớn thứ hai ở người lớn.

Đồ uống có đường chứa các loại đường bổ sung như đường sucrose hoặc xi-rô ngô fructose cao. Một phần 330ml đồ uống có đường có ga có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tiêu thụ nước ngọt với tần suất 1 lon một ngày có gây ra những ảnh hưởng xấu lên sức khoẻ như tăng nguy cơ mắc nhiều các bệnh lý liên quan đến hệ xương răng (sâu răng, gãy xương), béo phì, bệnh tim mạch, và rối loạn chuyển hoá… Trong một lon đồ uống có đường 330 ml thông thường có thể chứa tới 35g đường, khi trẻ uống hết 1 lon là đã vượt quá giới hạn khuyến nghị một ngày về lượng đường tự do cho trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới hạn chế tiêu thụ đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào dựa trên bằng chứng chất lượng vừa phải từ các nghiên cứu quan sát về sâu răng và để hạn chế hơn nữa lượng đường tự do ăn vào dưới 5% tổng năng lượng ăn vào. Sâu răng là kết quả của việc tiếp xúc suốt đời với một yếu tố nguy cơ trong chế độ ăn uống (tức là đường tự do), ngay cả khi giảm một chút nguy cơ sâu răng ở thời thơ ấu cũng có ý nghĩa trong cuộc sống sau này. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ sâu răng suốt đời, lượng đường tự do nên càng thấp càng tốt.

Uống nước ngọt thường xuyên khiến trẻ hung hăng hơn
Đồ uống chứa đường tăng nguy cơ béo phí, mắc bệnh rối loạn chuyển hoá ở trẻ

Cần lưu ý rằng, chất lỏng không mang lại cảm giác no như thức ăn rắn, vì cơ thể không “ghi nhận” lượng calo lỏng như lượng calo từ thức ăn rắn. Điều này có thể khiến trẻ tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống một loại đồ uống có hàm lượng calo cao, kết quả là một lượng lớn năng lượng tiếp tục được tiêu thụ cùng với lượng đường tự do. Trong thực tế, thường chúng ta hạn chế “ăn” (bánh kẹo ngọt…) nhưng lại ít khi hạn chế “uống” (đồ uống có đường).

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ đồ uống có đường gây tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh không lây nhiễm, rối loạn chuyển hoá về sau này. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh về tim nguy hiểm nhất bao gồm: đái tháo đường, tiền đái tháo đường, béo bụng, cholesterol cao và huyết áp cao.

Tiêu thụ đồ uống có đường giàu đường fructose có liên quan đến nồng độ kháng Insulin tăng cao ở thanh thiếu niên, và mối quan hệ này có thể thông qua con đường trung gian là do mỡ trung tâm và axit uric huyết thanh tăng. Tiêu thụ SSB trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân/béo phì cao hơn ở 5 tuổi, cứ mỗi 100 ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6.

Tiêu thụ đồ uống có đường đã được chứng minh là có liên quan đến hội chứng chuyển hóa ở thanh thiếu niên. Trẻ sử dụng đồ uống có đường có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá cao gấp 4,6 lần và 5,2 lần trẻ không uống. Nguy cơ này giảm đi từ 0,4 đến 0,5 lần ở những thanh thiếu niên tiêu thụ ≥1 khẩu phần / tuần các sản phẩm sữa và trái cây tươi.

Đường thêm vào (added sugars) có liên quan đến các yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, kháng insulin và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Với những bằng chứng về tác hại của đường tự do, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị giảm tiêu thụ đường tự do và không sử dụng đường cho chế độ ăn của trẻ dưới 1 tuổi. Trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; có nghĩa tương đương dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em.

Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để đảm bảo con họ ăn uống lành mạnh là đọc nhãn thực phẩm. Kiểm tra nhãn cho biết lượng đường trong mỗi khẩu phần-và kiểm tra kỹ xem chính xác có bao nhiêu khẩu phần trong một sản phẩm thực phẩm chúng ta tiêu thụ.

Thường trên các thực phẩm đóng gói và đồ uống, các thông tin dinh dưỡng sẽ được liệt kê trên 100 g hoặc 100 ml của sản phẩm, trong khi một sản phẩm có trọng lượng và dung tích lớn hơn. Ví dụ: một lon nước ngọt có chứa dung tích là 330 ml, trong khi thông tin khi trên nhãn là tính trên 100 ml; một lon nước tăng lực là 250 ml, một chai nước uống thể thao là 500 ml. Và theo thói quen, chúng ta sẽ uống hết cả lon/chai sản phẩm, như thế lượng đường sẽ lớn hơn so với lượng đường đã được ghi trên nhãn.

Khuyến khích cha mẹ sử dụng công thức 5-2-1-0 như một hướng dẫn chung cho sức khỏe hàng ngày:

5 phần trái cây và rau (hoặc nhiều hơn) mỗi ngày (tương đương ít nhất 400 gam rau và trái cây mỗi ngày);

2 giờ hoặc ít hơn: hạn chế thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử là dưới 2 tiếng mỗi ngày;

1 giờ hoạt động thể chất: chú trọng các hoạt động ngoài trời

0 đồ uống có đường: nói không với các đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt có ga, không có ga, nước ép trái cây, đồ uống thể thao hoặc soda, trà uống liền…)

Ăn nhiều trái cây và rau hơn trong ngày là một cách để hạn chế việc ăn vặt các thực phẩm nhiều đường. Trái cây và rau quả sẽ no lâu hơn và sẽ giúp trẻ no lâu hơn - giúp cắt giảm không chỉ lượng đường ăn vào mà còn giảm lượng calo tiêu thụ.

Trẻ thừa cân, béo phì ăn gì để vẫn no mà không sợ béo?
Tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm
Thừa cân-béo phì ở trẻ là nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành
Tốc độ giảm suy dinh dưỡng thấp còi đang chậm lại

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.