Tăng cường kiểm soát hàng giả tại các đầu mối giao thông

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường kiểm soát hàng giả tại các đầu mối giao thông
Tăng cường kiểm soát hàng giả tại các đầu mối giao thông

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các cơ quan, đơn vị ngành Giao thông vận tải đã chủ động triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp; hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thấp.

Để chủ động ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng này, đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa; chú ý các mặt hàng pháo nổ, hàng điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm và các mặt hàng tiêu dùng nhiều.

Cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Văn bản nêu rõ, Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình.

Các cơ quan, đơn vị cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả qua đường hàng không
Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Vĩnh Phúc: Phát hiện, tạm giữ 12.000 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng
Bắt người phụ nữ chuyên buôn khoá lậu

T.Quang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.