Lừa đảo sang Campuchia làm việc - những cảnh báo không mới

Liên tiếp thời gian gần đây CA các tỉnh thành đưa ra những cảnh báo về hoạt động của các đối tượng lừa đảo tuyển người sang Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Tuy nhiên những cảnh báo này thực tế không hề mới, bởi trước đó, tháng 11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã từng gửi thông báo đến mọi người dân.
Lừa đảo sang Campuchia làm việc - những cảnh báo không mới
Đối tượng bị CA Thanh Hóa khởi tố với tội danh “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Liên tiếp có cảnh báo từ lực lượng CA các tỉnh

Ngày 17/6, Công an Quảng Ngãi đã phát thông tin cảnh báo về việc nhiều lao động bị các đối tượng lừa sang Campuchia rồi cưỡng bức lao động.

Từ đầu năm đến nay, Công an Quảng Ngãi đã tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của 8 gia đình có con em bị lừa sang Campuchia làm việc. Những trường hợp này bị đe dọa, cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc.

Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là đăng tin tuyển dụng lao động với mức lương cao để thu hút thanh niên chưa có việc làm. Những người có nhu cầu làm việc sẽ được các đối tượng lừa đảo tìm cách đưa qua Campuchia.

Sau khi đến Campuchia, nạn nhân được đưa về các cơ sở làm việc khép kín. Các đối tượng đe dọa, ép buộc nạn nhân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Những người không đồng ý làm việc sẽ bị các đối tượng lừa đảo đe dọa, đánh đập hoặc bán sang cơ sở khác.

Những trường hợp muốn bỏ việc về nhà phải liên lạc với người thân tại Việt Nam chuyển hàng trăm triệu đồng tiền chuộc. Tuy vậy, có trường hợp dù đã chuyển tiền nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn không cho nạn nhân về quê.

Trước đó ít ngày, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh này xảy ra tình trạng nhiều công dân bị lôi kéo, lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc game online. Sau đó bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo đơn tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân, hoạt động lôi kéo, đưa người Việt Nam sang Campuchia chủ yếu do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia.

Cũng theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin "vẽ" những công việc nhẹ, không cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, với mức lương khá cao từ 700-1.000 USD/tháng. Sau khi người lao động đồng ý, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức đưa nạn nhân nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc sòng bài.

Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Lúc này, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như hứa hẹn. Người lao động còn bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (có thể từ 15-16 tiếng đồng hồ/ngày), nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ.

Thậm chí, nhiều người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn USD mới được thả hoặc bán cho công ty khác.

Tháng 3/2022, Theo Công an Cà Mau, từ đầu năm 2022 đến nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang thông tin, hội nhóm như "VL cambodia", "HNV ở Campuchia"… với mục đích lôi kéo người dân vùng nông thôn thất nghiệp, cần việc làm, xuất cảnh sang Campuchia để làm việc.

Các đối tượng này hứa hẹn với người lao động là có việc làm ổn định, lương cao, cho người lao động mượn tiền trước để lo chi phí sang Campuchia. Khi người lao động qua tới Campuchia (bằng đường tiểu ngạch) thì bị đưa vào các khu sòng bạc, làm công việc dọn dẹp, lương chỉ từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng…

Trong quá trình làm việc, người lao động không đáp ứng được các công việc do các đối tượng đặt ra thì bị đối xử thậm tệ, giam lỏng, không cho liên hệ với bên ngoài.

Câu chuyện lừa đảo sang Campuchia là câu chuyện không mới

Không quá khó để nhận diện các đối tượng này, bởi chỉ cần gia nhập vào các hội nhóm tiêu cực như nhóm Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, Hội nhóm vỡ nợ hoặc Hội nhóm vay qua app… sẽ thấy vô vàn những lời mời gọi sang Campuchia làm việc. Có lẽ, sự túng quẫn bởi vay nợ, cũng như sự dồn nén, áp lực của việc kiếm tiền trả nợ nên các thành viên trong hội nhóm này là miếng mồi ngon ngọt để các đối tượng này dụ dỗ.

Chẳng thế mà chỉ cần vào vai một người túng quẫn tham gia nhóm, khi mới nghe phóng viên ngỏ ý muốn tìm hiểu về việc sang Campuchia làm việc, các đối tượng này đã ngay lập tức tư vấn rất nhiệt tình. Theo đó, tài khoản có tên Đăng Thanh luôn miệng khẳng định người này chuyên tuyển người sang Campuchia làm việc với mức thu nhập lên đến 20 – 30 triệu đồng. “Anh chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, có giấy tờ tùy thân là có thể tham gia" – tài khoản Đăng Thanh cho biết.

Công việc mà tài khoản Thanh chia sẻ, đó là sang Campuchia để làm sale game. “Mình mời khách đăng ký và nạp tiền chơi game. Lương cứng anh được nhận là 800 USD và 20% hoa hồng.” Thanh nói, công việc rất đơn giản nên có nhiều người tham gia, cũng có nhiều người từ đó mà có tiền để trả nợ, thậm chí còn sống rất thoải mái. “Anh có thể đi bất cứ khi nào, chỉ cần anh muốn anh gọi điện cho em, em sẽ đưa anh đi mà anh không mất bất cứ một loại phí nào. Trước khi đi anh nhớ mang theo giấy tờ cá nhân" – Thanh dặn.

Không chỉ đăng những tin nhắn tuyển dụng, để tạo niềm tin cho người khác, các đối tượng này tiếp tục đăng những tin nhắn dạng: “Làm chuyến sang Campuchia không bạn? Nếu ở Việt Nam sang Campuchia nhé, tôi cũng đã sang được 1 tháng rồi.” Và bất cứ ai khi có nhu cầu, cái chiêu bài đi làm “việc nhẹ lương cao” sẽ được tuôn ra với các lời dụ dỗ đường mật.

Về câu chuyện lôi kéo người đi làm ở Campuchia, trước đó, từ tháng 11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã ra lời cảnh báo. Theo đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được rất nhiều thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online.

Đơn tố cáo nêu, cầu cứu của các nạn nhân, hoạt động lôi kéo, đưa người Việt sang Campuchia do số các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam, Campuchia.

Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1000 USD/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng.

Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ.

Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000-8.000 USD) mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác.

Cảnh báo lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao
Tuyển người xuất khẩu lao động tại Úc, lừa tiền tỷ
Báo động tình trạng lôi kéo, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.