Cô giáo hết lòng với cậu học trò mắc bệnh xương thủy tinh

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Vương Tuyết Băng (54 tuổi) đang công tác tại Trường Tiểu học Tây Tựu B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không chỉ dạy chữ, dạy người mà còn chung tay hỗ trợ, chăm lo cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng nhân ái của cô chính là điểm tựa vững chắc, tạo động lực giúp các em vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Cô giáo Vương Tuyết Băng xúc động khi kể lại hành trình giúp đỡ học sinh Nguyễn Hoàng Ân. 	Ảnh: Hồng Lê
Cô giáo Vương Tuyết Băng xúc động khi kể lại hành trình giúp đỡ học sinh Nguyễn Hoàng Ân. Ảnh: Hồng Lê

Từ buổi dạy thay

Cô Băng từng đỡ đầu cho nhiều thế hệ học trò, đặc biệt, phải kể đến học sinh Nguyễn Hoàng Ân, lớp 4C bị bệnh xương thủy tinh, có năng lực học tập chậm, thuộc gia đình hộ nghèo. Cô Băng đã dành nhiều tâm huyết để giúp em Ân cải thiện sức khỏe và tiến bộ trong học tập.

Ngay từ lần gặp đầu tiên, cậu bé Ân đã để lại trong cô những ấn tượng sâu sắc. Hôm ấy là buổi dạy thay, vừa bước vào lớp, hình ảnh cậu bé gầy gò, ốm yếu, đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi khiến cô Băng chú ý suốt cả buổi học. Cô liên tục động viên cậu làm bài nhưng chỉ nhận lại ánh nhìn buồn bã, uể oải. Hỏi các bạn cùng lớp mới biết Ân là học sinh khuyết tật bị mắc bệnh xương thủy tinh, giờ học nào cậu cũng trong trạng thái như vậy. Lúc đó, dù mới 7 tuổi nhưng Ân đã phải trải qua 6 lần đau đớn tột cùng vì gãy xương tự nhiên do căn bệnh quái ác gây ra.

Ngay chiều hôm đó, cô Băng tìm đến nhà Ân. Hoàn cảnh của cậu học trò nhỏ bé khiến cô lặng người. Cả gia đình Ân sống trong túp lều xơ xác, dựng tạm bằng những mảnh sắt vụn, rộng chừng hơn 10m2 ở một cánh đồng tại quận Bắc Từ Liêm. Cả mẹ và em gái Ân cũng mắc bệnh tương tự. Thu nhập chính của gia đình Ân chủ yếu đến từ công việc nhặt rác ven đường và tiền trợ cấp. Lúc đó, cô Băng nghĩ rằng bản thân cần làm điều gì đó để giúp đỡ cậu bé này.

Đến hành trình nhân ái

Cô Băng xin chuyển Ân từ lớp 2B sang lớp 2C do cô phụ trách, để có điều kiện kèm cặp về kiến thức và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cậu học trò. Ngoài việc trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường cho Ân được ở bán trú tại trường, cô còn phải thuyết phục gia đình Ân vì bố mẹ không đồng ý cho em đến trường. “Bố mẹ Ân không đồng ý cho con đi học vì cho rằng sức khỏe của con như vậy học được đến đâu thì học. Tôi đã kiên trì thuyết phục, hơn 1 tuần sau thì họ đồng ý. Sau đó tôi lên kế hoạch cụ thể để giúp đỡ con”, cô Băng chia sẻ.

Từ khi Ân chuyển đến ở bán trú, cô Băng quan tâm cậu từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, đặc biệt là vấn đề sức khỏe. Vì Ân bị suy dinh dưỡng nặng nên cô luôn cố gắng chăm sóc em từng chút một. Theo cô, muốn Ân học tập hiệu quả thì trước tiên em phải có sức khỏe tốt. Ân bị mắc bệnh xương thủy tinh do di truyền gen từ mẹ, cuộc sống nghèo khó khiến cơ thể cậu bị thiếu hụt nhiều chất như canxi, vitamin, khoáng chất trầm trọng. Hơn nữa, Ân tiếp thu khiến thức rất chậm, ngại học, quên nhanh, lại ít giao tiếp.

Để giúp Ân mạnh khỏe hơn, ngoài nghiên cứu trên mạng, cô Băng còn nhờ BS chuyên khoa tư vấn. Từ kiến thức thu thập được, cô xây dựng cho cậu một chế độ dinh dưỡng phù hợp, ưu tiên các loại thức ăn giàu canxi như bánh, sữa, quả… vào bữa phụ 9h hoặc 16h mỗi ngày. Cô Băng cũng đồng hành cùng Ân đi bộ thăm các khu vực của trường, đi cầu thang từ tầng một lên tầng hai, tập đi xe đạp ba bánh để tăng cường vận động. Nhờ sự chăm sóc tận tình của cô, đến giữa kỳ 1, cậu bé yếu ớt, gầy guộc ngày nào đã khỏe khoắn, đầy đặn hơn.

Khi sức khỏe Ân dần ổn định, cô Băng tiếp tục hành trình dạy kiến thức cho em. Cô rèn Ân từ cách cầm bút, cách viết chữ đến luyện từ, viết câu, đoạn văn. Ngoài việc dạy và kèm trong các giờ học chính khóa, cô dành thêm thời gian cuối buổi giúp Ân củng cố lại kiến thức mà em chưa theo kịp. Những lúc rảnh, cô dành nhiều thời gian để vui chơi, kể cho Ân nghe những câu chuyện cổ tích hay cùng cậu xem video có nội dung về sự vượt khó của trẻ khuyết tật để động viên, khích lệ tinh thần của cậu học trò. Khoảng thời gian nghỉ dịch Covid-19, cô Băng còn đến tận nhà kèm cho Ân cách học online liên tục 2 tháng.

Cứ như vậy, với sự giúp đỡ, kèm cặp của cô Băng, sức khỏe và kết quả học tập của Ân đã tăng lên rõ rệt. “Trong năm học con chỉ 2 lần bị sốt nhẹ do viêm họng, không gãy xương lần nào. Về học tập, ngoài sự mong đợi của tôi, Ân đã tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt là môn Toán, con đạt điểm 10 trừ trong bài kiểm tra cuối năm, 7 điểm môn Tiếng Việt, các môn khác đều hoàn thành. Con luôn tự tin giao tiếp và học tập với các bạn”, cô Băng cho biết.

Không chỉ Ân mà nhiều năm nay, năm nào cô Băng cũng nhận đỡ đầu 2 học trò, giúp các em tiền học hàng tháng, tiền ăn bán trú, tặng sách, vở, quần áo. Ở trường, có cô lao công là bà mẹ đơn thân, có con tật nguyền, cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cô Băng.

Không chỉ giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, cô Băng còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường cũng như của địa phương. Cô chính là tấm gương sáng của ngành Giáo dục Thủ đô, lan tỏa đến mọi người thông điệp sống nhân văn, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn và đặc biệt, giúp học trò “tôi luyện” ý chí mạnh mẽ, vươn lên trước nghịch cảnh.

Với những nỗ lực của mình, năm 2018, cô giáo Vương Tuyết Băng được Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Năm học 2019 - 2020, cô là giáo viên tiêu biểu, đạt giải Nhì giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” lần thứ IV do ngành Giáo dục quận Bắc Từ Liêm tổ chức.
Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
Cô sinh viên trường nhạc phải lòng ánh mắt trẻ thơ, đổi nghề thành cô giáo
20 trẻ bị người lạ “dụ”, cô giáo gọi khản cổ không về: Chuyên gia đưa lời khuyên

Hồng Lê

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.